1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM sẽ mở tuyến tàu đi Côn Đảo, Bình Dương

Tâm Linh

(Dân trí) - TPHCM dự kiến triển khai 3 tuyến tàu thủy từ bến Bạch Đằng (quận 1) kết nối quận 7, khu Thanh Đa, huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương.

Dự định trên nằm trong kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải TPHCM về phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, nhằm tạo đột phá cho giao thông thủy trong thời gian tới, TPHCM dự kiến mở mới tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo, phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang) và 3 tuyến tàu thủy từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi tỉnh Bình Dương, huyện Củ Chi, quận 7, bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Dự kiến, các tuyến được đưa vào khai thác, hoạt động từ năm 2024.

TPHCM sẽ mở tuyến tàu đi Côn Đảo, Bình Dương - 1

Du khách trải nghiệm buýt sông về đêm trên sông Sài Gòn (Ảnh: Ip Thiên).

Theo đánh giá của sở, TPHCM có nhiều thuận lợi để thực hiện kế hoạch trên. Thành phố có nhiều tuyến đường thủy nội đô, rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch trên sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm - Bến Lức, rạch Ông Lớn, kênh Tàu Hủ, sông Vàm Thuật, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...

Bên cạnh đó, trung tâm thành phố tập trung nhiều địa điểm tham quan du lịch có thể kết hợp đường thủy và đường bộ như cụm điểm khu trung tâm thành phố có cự ly gần từ Bến Nhà Rồng, công viên Bến Bạch Đằng (quận 1); khu di tích địa đạo Củ Chi; khu sinh thái Cần Giờ; các đình, chùa khu vực quận 8, Gò Vấp, TP Thủ Đức...

Ngoài ra, hiện có nhiều loại phương tiện thủy đang hoạt động; nhiều doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch có năng lực tài chính đồng thời bày tỏ mong muốn phát triển du lịch đường thủy.

Về liên kết vùng, TPHCM có lợi thế từ 4 tuyến sông chính gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng với hệ thống sông, kênh, rạch tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

TPHCM sẽ mở tuyến tàu đi Côn Đảo, Bình Dương - 2

Từ bến Bạch Đằng dọc sông Sài Gòn quận 1, người dân và du khách có thể xuất phát và trở về TPHCM trên nhiều tuyến tàu đường thủy đi trong nội đô và các tỉnh lân cận (Ảnh: Hải Long).

Theo chia sẻ của một số người dân, ven sông dọc khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và phía TP Thủ Đức có nhiều nhà hàng, quán nhậu, đồng thời có các chặng buýt sông đi qua.

Họ chọn đi buýt sông để di chuyển dễ dàng hơn, thay vì phải lái xe qua những cung đường bộ kẹt cứng giờ tan tầm như Điện Biên Phủ và Xô Viết Nghệ Tĩnh.

"Đi nhậu hay về nhà mấy khu này, tôi đi buýt sông từ bến Bạch Đằng rất nhanh đến nơi. Uống bia rượu không được lái xe thì tôi đi buýt sông ngược về quận 1 rồi đi xe ôm về, đỡ tốn tiền cước và được ngồi ghế dựa thoải mái, thoáng mát", một người dân sống ở quận 5 nói về sự hữu ích của di chuyển đường thủy.

TPHCM sẽ mở tuyến tàu đi Côn Đảo, Bình Dương - 3

Đường sông dài dọc bán đảo Thanh Đa và TP Thủ Đức là lợi thế phát triển vận tải đường thủy (Ảnh: Hoàng Giám).

Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TPHCM có 4 loại hình: vận tải hành khách bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông; vận tải khách du lịch bằng đường biển.

Sở GTVT đã dự thảo kế hoạch phát triển các tuyến vận tải hành khách, du lịch, kết hợp sản phẩm du lịch và phát triển các cảng, bến và khu vực neo đậu phương tiện.

Ngoài ra, Sở cũng lên kế hoạch phát triển cảng, bến Nhà Rồng - Khánh Hội, các bến khu vực quận 1 trên sông Sài Gòn; kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 3 bến thủy nội địa trong năm 2023 và xây dựng mới bến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng (Tiền Giang) trong năm 2025; đầu tư xây dựng các vị trí vùng nước neo đậu trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Song, Sở GTVT cũng nêu một số khó khăn. Quỹ đất dùng để xây dựng cảng, bến, hạ tầng dịch vụ vận tải hành khách đường thủy còn hạn chế; một số dự án xây dựng cầu đường thủy, cống ngăn triều, giải phóng mặt bằng còn bị chậm, gây ảnh hưởng, hạn chế phương tiện khai thác trên tuyến.

Do đó, những năm qua, dù thành phố có nhiều loại hình vận tải đường thủy được đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu, chưa khai thác được các lợi thế sẵn có để phát triển.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, tính đến tháng 6 năm 2023, đường thủy nội địa TPHCM có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy với tổng chiều dài 912,9km; 43 cảng biển; 13 cảng thủy nội địa; 248 bến thủy nội địa.

Về cảng, bến thủy nội địa và các công trình phụ trợ trên bờ hiện đang hoạt động có 13 cảng thủy nội địa, 204 bến thủy nội địa. Trong đó, có 105 cảng, bến phục vụ vận tải hàng hóa, 74 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 25 bến khách ngang sông.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2022, TPHCM đã tổ chức quản lý và khai thác vận tải thường xuyên được hơn 15.400km trên tổng số 220.000km đường sông, kênh; trong đó Trung ương quản lý và bảo trì hơn 6.600km đường thủy nội địa quốc gia, các địa phương quản lý và bảo trì khoảng 8.800km đường thủy nội địa địa phương, còn lại hàng trăm nghìn km đường thủy chưa được điều tra, khảo sát, phân cấp quản lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm