TPHCM sẽ làm gì khi sụt lún 2cm mỗi năm?
(Dân trí) - Theo cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, với độ sụt lún 2cm mỗi năm, TPHCM cần thực hiện ngay các giải pháp ứng phó để tránh các kịch bản nghiêm trọng hơn.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, vừa giao Sở TNMT phối hợp Sở Xây dựng, Sở QHKT và các chuyên gia xây dựng văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng khả năng chống sụt lún nền tại địa bàn. Việc này cần hoàn thành trong quý IV năm nay.
Trước đó, Sở TNMT đã báo cáo kết quả khảo sát sụt lún nền ở TPHCM do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Đoàn khảo sát ghi nhận, tình trạng sụt lún nền đã và đang xảy ra tại TPHCM với độ sụt lún khoảng 2cm mỗi năm.
TPHCM dù đã triển khai các giải pháp quan trắc và chống sụt lún, tuy nhiên, địa phương vẫn phải đối mặt với ngập lụt thường xuyên. Nguyên nhân là thành phố chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa và sự tập trung dân cư ở thành thị.
Báo cáo của đoàn khảo sát khuyến nghị thành phố thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân, rủi ro và các kịch bản sụt lún nền. Đồng thời, xem xét thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật do JICA tài trợ về nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân, rủi ro; xác định rủi ro; nâng cao năng lực chính quyền trong chống sụt lún; các biện pháp giảm nhẹ sụt lún nền tại TPHCM.
Sở TNMT nhận định, sụt lún nền có thể làm tăng nguy cơ ngập, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, tốn kém cho địa phương. Do đó, việc thực hiện các biện pháp khắc phục hiện tượng này là rất cần thiết.
Theo kết quả quan trắc, khảo sát của JICA, TPHCM có độ sụt lún nền bình quân 2cm/năm, cá biệt có nơi đến 6cm/năm. Các địa phương có mức độ sụt lún đáng kể là khu vực quận 2 cũ, quận Thủ Đức cũ, quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân.
Trong đó, các khu vực quận Thủ Đức cũ và quận Tân Bình, quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất.
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản nhận định, TPHCM là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện tại, ngập lụt diễn ra thường xuyên hơn do lượng mưa, triều cường gia tăng.
Những vấn đề này xảy ra bởi thành phố có độ cao thấp, sông ngòi phức tạp và chịu ảnh hưởng của thủy triều, sụt lún nền. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự tập trung dân cư ở thành thị gây ra tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến sụt lún nghiêm trọng.
JICA đưa ra dự báo, với việc dân số sẽ ở mức 13-14 triệu người năm 2040, tình trạng sụt lún nền tại TPHCM có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, địa phương này cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp ứng phó.