TPHCM sắp xếp lại các quận, nhân sự dôi dư sẽ làm gì?
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cho biết, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sẽ tiếp tục làm việc ở cơ quan khác hoặc nghỉ hưu, hưởng chế độ tùy trường hợp.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 10/8, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết, địa phương đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết 117 của Chính phủ.
Hiện tại, Sở Nội vụ đang cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND TPHCM kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn này. Đối với giai đoạn 2025-2030, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu thành phố khi có nghị quyết mới từ Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin, khi thực hiện sắp xếp cấp huyện, xã, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức sẽ được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển theo từng trường hợp. Họ sẽ làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với trường hợp nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương và thành phố.
Ngoài ra, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các bên để rà soát, tính toán và tham mưu UBND TPHCM xem xét, quyết định chuyển công năng, mục đích sử dụng đối với trụ sở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cũ. Phương án khác là thành phố sẽ tổ chức thanh lý, đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại trụ sở dôi dư, không sử dụng do sắp xếp đơn vị hành chính.
Lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin, trong giai đoạn này, TPHCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện cần sắp xếp là quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Trong số 149 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, 7 đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn trước nên không cần làm trong giai đoạn này.
Hiện tại, TPHCM tiếp tục rà soát, phân loại các đơn vị hành chính có một trong 4 yếu tố đặc thù, không bắt buộc thực hiện sắp xếp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những yếu tố đặc thù này gồm:
Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.
Đơn vị hành chính có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.
Đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.