1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM rối loạn vì mất điện

Hôm qua (31/3), 7 chi nhánh điện lực tại TPHCM đã cắt điện ở 63 lộ trình trên địa bàn. Khoảng 1/3 thành phố không có điện, giao thông hỗn loạn. Sinh hoạt hàng chục nghìn gia đình đảo lộn.

Mất điện. Tín hiệu đèn giao thông vô tác dụng, nhưng lại thiếu bóng dáng cảnh sát giao thông. Người đi đường chen chúc luồn lách tại các ngã tư giờ biến thành giao lộ tự do. Ùn tắc, va chạm xảy ra liên tục.

 

Theo ghi nhận, trong buổi sáng qua, tại các ngã tư ở quận 1, 3 như Hai Bà Trưng - Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng... đều không có mặt cảnh sát giao thông. Xe gắn máy, ô tô, xe buýt và cả người đi bộ cứ liên tục bị ứ đọng tại các giao lộ.

 

"Từ sáng giờ đèn không hoạt động mà không cũng thấy bóng dáng ông giao thông nào đứng chốt hết. Khi cần thì mấy ổng đi đâu hết, hay vì ngày thứ 7 nên cảnh sát giao thông không làm việc. Va chạm đã xảy ra liên tục", anh Thuật bán vé số tại ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng bức xúc.

 

Một số ngã tư có cảnh sát điều khiển giao thông bằng còi thay đèn tín hiệu, lưng áo mướt mồ hôi vì phải đứng giữa trời nắng làm việc liên tục. Tại ngã tư Đinh Bộ Lĩnh -Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, hai anh Lê Quốc Thái và Nguyễn Văn Chúng, thuộc Đội 4 Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết: "Chúng tôi trực ca đầu từ 6h đến 10h. Những ngày mất điện như thế này phải luân phiên đứng chốt nhiều hơn. Chỉ tội cho những anh đi ca vào buổi trưa, vì trời nắng nóng mà phải liên tục điều khiển xe".

 

2 ngày trước, Công ty điện lực TPHCM đã có buổi làm việc với ngành Cảnh sát giao thông và Công ty chiếu sáng công cộng, về việc duy trì đèn tín hiệu giao thông trong những ngày cắt điện. Thế nhưng, tình hình rối loạn giao thông vẫn xảy ra. 

 

Công sở tranh thủ nghỉ, siêu thị "mướt" mồ hôi

 

Theo các cảnh sát giao thông, cũng may ngày cắt điện đầu tiên của đợt 10 ngày không có điện trên diện rộng, rơi vào thứ 7 nên lượng người lưu thông trên đường không đông bằng ngày thường. Nhiều công ty hôm nay cũng nhân cơ hội cắt điện cuối tuần nên đã cho nhân viên nghỉ làm luôn. Ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc một công ty quảng cáo cho biết, vừa kết hợp cho nhân viên nghỉ ngơi cuối tuần, vừa đỡ tốn tiền xăng chạy máy phát điện.

 

Rút kinh nghiệm đợt cắt điện trên diện rộng 4 ngày trước, nhiều siêu thị đã tăng cường chuẩn bị xăng dầu cho máy phát. Tuy nhiên máy phát chỉ đủ để duy trì đèn chiếu sáng, còn máy điều hòa nhiệt độ gần như không hoạt động. Khách mua hàng ở các siêu thị Cống Quỳnh, Nguyễn Đình Chiểu, Citimart... đều đẫm mồ hôi.

 

Tại các bệnh viện mặc dù được ưu tiên sử dụng điện, nhưng hầu hết đều tiết kiệm để dùng cho công tác phẫu thuật, trợ thở... Sáng 31/3, bệnh nhân các bệnh viện Gia Định, Ung Bướu... được bệnh viện khuyến cáo hạn chế bật quạt máy. 

 

ATM chết cứng

 

Hệ thống máy rút tiền ATM tại các siêu thị bị cúp điện cũng lâm vào tình trạng "chết cứng". Chị Đỗ Thanh Hà, khách đi siêu thị Đinh Tiên Hoàng bực bội phẩy tay: "ATM không hoạt động, không thể nào rút tiền được". Sáng nay chị Hà dự định đến siêu thị mua sắm thực phẩm về làm bữa tiệc cuối tuần cùng gia đình, nhưng đành phải đi vào khu trung tâm thành phố để rút tiền máy ATM mới trở lại siêu thị mua hàng. 

 

Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank), chi nhánh TPHCM cho biết, hệ thống ATM của ngân hàng quá lớn lại trải dài trên nhiều địa bàn khác nhau, nên Vietcombank dự kiến chỉ trang bị máy phát điện cho những khu vực trọng điểm, tập trung cụm ATM và được nhiều người sử dụng.

 

Hiện, mỗi máy ATM đều được trang bị một máy tích điện, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch đến 30 phút sau khi hệ thống mất điện. Chính vì vậy khả năng bị máy nuốt thẻ hoặc tiền đã trừ trong tài khoản nhưng điện ngưng bất ngờ khiến khách không nhận được tiền, sẽ được nhật ký ghi lại. Đến cuối ngày dựa trên ghi chép đó, nhân viên theo dõi sẽ liên lạc với khách hàng để trả lại số tiền bị mất, trừ thứ 7 và chủ nhật

 

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (EAB) cũng cho hay, hiện tại EAB đã dán thông báo những số điện thoại khẩn cấp hoặc những địa điểm ATM trong ngày không bị cúp điện, nhằm tạo cho người dân được thuận tiện khi giao dịch. "Tuy nhiên những điểm đặt máy ATM của EAB đều gần những cơ sở sản xuất kinh doanh nên có thể tận dụng điện của những nơi ấy", ông nói. 

 

Sinh hoạt hàng chục nghìn gia đình đảo lộn

 

Mặc dù ngành điện lực đã thông báo lịch cắt điện từ 5 ngày trước trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rất nhiều người dân không để ý. Nhiều kế hoạch gia đình đã bị đảo lộn vì thiếu điện.

 

Anh Nguyễn Tuấn, nhà ở chung cư 60 Nguyễn Trãi, quận 1 cho biết, điện cúp khiến hệ thống ADSL cũng bị ngưng trệ. Trong khi đó anh cực kỳ sốt ruột vì đã đến ngày hẹn liên lạc bằng mail với đối tác nước ngoài, chuẩn bị mở L/C nhập khẩu lô hàng. "Tình hình này tôi phải dự phòng một máy phát điện mới đảm bảo được công việc làm ăn trong điều kiện điện đóm chập chờn", anh dự tính. 

 

Chị Thủy, hàng xóm anh Tuấn thì rầu rĩ vì không có điện không thể chạy mô tơ bàn máy may. Chị tính toán, hàng ngày may gia công cho khách nếu làm việc đều đặn, thu nhập gia đình khoảng 70.000-80.000 đồng/ngày, đủ để đi chợ. Chị Thủy buồn rầu nói: "Mất điện ngày nào là chúng tôi mất thu nhập ngày đó, cả nhà chỉ trông vào mấy cái máy may này".

 

Nhiều khu vực có điện nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng cúp điện trên diện rộng. Điển hình nhất là dịch vụ truyền hình cáp một số nơi không truyền tín hiệu được vì thiếu điện tại nguồn. Những ngày cuối tuần, ra đường thì giao thông hỗn loạn, về nhà nóng như ran do không có điện, nếu có điện lại không truyền hình cáp để giải trí.  

 

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty dịch vụ truyền hình cáp HTVC thừa nhận, nhà cung cấp dịch vụ này cũng bó tay trong trường hợp điện cúp trên diện rộng. "Nếu điện bị cúp tại nguồn, HTVC không đủ máy phát điện để duy trì cấp phát tín hiệu, chưa kể là thời gian không có điện kéo dài cả ngày", ông Hùng cho biết.

 

Theo VnExpress