1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM phải “thông minh” hơn để bắt kịp xu thế hội nhập

(Dân trí) - Đến nay TPHCM vẫn còn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực Đông Á – đứng cuối bảng trong số 12 thành phố khi so sánh về năng lực cạnh tranh và chất lượng sống. Mục tiêu của thành phố lớn nhất nước là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo xu hướng phát triển kinh tế, xã hội…

Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến (Phó Ban điều hành đề án đô thị thông minh) vừa trình HĐND TPHCM Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước. Hiện, thành phố có dân số chiếm 9,1% cả nước (khoảng 8,43 triệu người) và đóng góp 28,6% tổng thu năm 2016 của quốc gia, xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD (18% cả nước).

Kẹt xe là nỗi ám ảnh với người dân TPHCM
Kẹt xe là nỗi ám ảnh với người dân TPHCM

Tuy nhiên, thực tế là đến nay TPHCM vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực. Khi so sánh với các đô thị khác trong khu vực Đông Á trên 2 tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống thì thành phố đang đứng cuối bảng trong số 12 thành phố, xếp sau Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Manila (Philippines)…

Trong phạm vi quốc gia, vị thế dẫn đầu của thành phố cũng đang trên đà suy giảm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố trong vài năm qua có dấu hiệu chững lại, tụt hạng dần so với các tỉnh thành khác.

Những thách thức lớn mà thành phố đang đối diện là dân số tăng; kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị trong đó bao gồm công tác dự báo, quy hoạch điều hành còn bất cập; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt…

Theo chính quyền thành phố, từ giữa thập niên 2000, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng mạnh các công nghệ thông tin truyền thông như điện toán đám mây, công nghệ di động, mạng xã hội…

Qua đó, nâng cao được năng lực thu thập, chia sẻ dữ liệu và dự báo phục vụ công tác quản lý đô thị; giúp tối ưu các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và thúc đẩy phát triển bền vững.

Nhiều quốc gia và thành phố lớn đang triển khai xây dựng đô thị thông minh tiêu biểu như Singapore, London, Chicago, New York, Los Angeles, Seoul, Hongkong, Tokyo, Paris... Do đó, thành phố cần tận dụng thời cơ này để trở thành đô thị thông minh nhằm phát huy các thế mạnh, hỗ trợ tốt cho 7 chương trình đột phá của thành phố.

Ngập lụt do mưa và triều cường ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố
Ngập lụt do mưa và triều cường ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố

Theo chính quyền thành phố, 4 mục tiêu tổng quát cho việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo xu hướng, tiên lượng được các vấn đề có thể xảy ra với kết cấu đô thị, các vấn đề về kinh tế, xã hội nhằm xây dựng chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Để hoàn thành việc này, TPHCM cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội; trung tâm điều hành thông minh và thành lập trung tâm an toàn thông tin thành phố.

Đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân đưa ra quyết định một cách tối ưu; kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh chính xác; tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

Đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, việc kết nối chia sẻ dữ liệu thông tin nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Điều quan trọng nhất là tầm nhìn đặt “người dân là trung tâm của đô thị”, họ sẽ có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát và xây dựng thành phố.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm