TPHCM:
TPHCM: “Nóng” vì chuyện ngập đường
(Dân trí) - Theo UBND TPHCM, một trong những nguyên nhân gây ngập nước là do thiết kế hệ thống thoát nước nước của thành phố chỉ tính cao độ đỉnh triều là 1,32m. Tuy nhiên thực tế ghi nhận của các cơ quan chuyên ngành trên địa bàn cho thấy đỉnh triều đã lên đến 1,58m…
Mỗi khi trời mưa lớn, đường phố lại thành “sông”
Ngày 24/9, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo tổng thể, khái quát về tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố trong vòng 10 ngày.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu xác định rõ các nguyên nhân liên quan đến ngập nước. Cụ thể là do hệ thống cấp thoát nước (xuống cấp, sụt lún, tình trạng xả rác, thiết kế không đủ tần suất thực tế,…); do cửa xả hố ga (do thiết kế, sụt lún, tình trạng xả rác, do cao trình,…); báo cáo số liệu cụ thể phần diện tích được xây dựng theo cao độ chuẩn, phần diện tích thấp hơn mực nước thủy triều; có nguyên nhân do lún mặt đất hay không?
Theo UBND TP, dựa trên cao trình mặt đất và quy hoạch đô thị, hệ thống thoát nước của thành phố được chia làm 6 lưu vực (bao gồm vùng Trung tâm, vùng Bắc, vùng Tây, Vùng Nam, vùng Đông Bắc, vùng Đông Nam). Trong đó, vùng Trung tâm gồm các quận 1, 3, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận và một phần các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình; kênh rạch chính trong lưu vực là Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé.
Trong thời qua, thành phố đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng chỉ mới cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước ở khu vực trung tâm (khoảng 100km2). Thực tế thì cũng có nhiều điểm ngập được giải quyết (58/70 điểm ngập được thống kê).
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, lý do ngập là do thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố chỉ tính cho cao độ đỉnh triều là 1,32m, trong khi đó, thời gian gần đây thành phố bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp, có nhiều trận mưa rất lớn có tần suất vượt tần suất thiết kế, cho nên đỉnh triều không còn là 1,32m nhưng ở đầu kỳ mà hiện nay đỉnh triều đã là 1,58m.
Hiện tại, TP chỉ có khoảng 3.200 km cống thoát nước (còn thiếu hơn 2.500 km cống), phần lớn có tiết diện nhỏ và đã đầu tư từ hàng chục năm qua, chỉ có thể đáp ứng cho đô thị 2,5 triệu dân, trong khi đó dân số TP bây giờ đã hơn 10 triệu dân.
Trước thực tế tình hình ngập nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe người dân, gây thiệt hại về tài sản, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan phân tích đánh giá nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khả thi trước mắt cũng như lâu dài để có thể giải quyết nan đề này.
Theo các chuyên gia dự báo, trong vài thập kỷ tới TPHCM sẽ phải chịu nhiều bất lợi từ biến đổi khí hậu, nếu không có hành động kịp thời thì sự an toàn và đời sống của người dân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Theo đánh giá mới đây của Liên Hợp Quốc, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đến năm 2100 nếu nước biển dâng 1m thì vùng ĐBSCL và TP HCM sẽ mất 7,6 triệu tấn lúa tương đương ¼ tổng sản lượng cả vùng. Ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD vào các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.
Quốc Anh