1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Những công trình hạ tầng lớn nhất năm 2012

(Dân trí) – Năm 2012, TPHCM không có nhiều công trình lớn được hoàn thành. Tuy nhiên, việc khởi công tuyến metro số 1, khởi công cầu sài gòn 2… có thể nói là bước tiến đáng nhớ trong quá trình phát triển giao thông thành phố.

Khởi công tuyến metro đầu tiên của cả nước

Sau nhiều năm chuẩn bị, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro đầu tiên của TPHCM, đã chính thức được khởi công vào ngày 28/8. Toàn tuyến gồm 2 đoạn: đoạn đi ngầm dài 2,6km và đoạn đi trên cao dài 17,1km; gồm 14 nhà ga với 3 nhà ga ngầm và 11 nhà ga trên cao.

Tuyến
Metro số 1 được khởi công vào ngày 28/8
Tuyến Metro số 1 được khởi công vào ngày 28/8

Ban đầu tuyến metro số 1 dự kiến vốn đầu tư chỉ là 1,1 tỉ USD, nhưng sau nhiều năm chuẩn bị thì yếu tố trượt giá và thay đổi thiết kế đã làm vốn đầu tư đội lên thành 2,4 tỉ USD. Dự kiến tuyến Metro số 1 sẽ hoàn tất vào năm 2017 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2018.

Metro là loại hình vận tải hành khách công cộng nội đô hiện đại bật nhất trên thế giới hiện nay. Việc TPHCM khởi công tuyến Metro số 1 đánh dấu 1 bước phát triển theo hướng hiện đại hóa của ngành vận tải thành phố.

Phối cảnh đoàn tàu Metro số 1
Phối cảnh đoàn tàu Metro số 1

Khoác áo mới cho dòng kênh đen

Trong những năm 1980, cùng với sự mở rộng của TPHCM, dân cư bắt đầu tụ tập về khu vực ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xây dựng nơi cư trú, dòng kênh bắt đầu bị xâm lấn và ô nhiễm bởi rác, nước thải sinh hoạt.

Đến những năm 1990 thì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã biến thành dòng kênh đen kịt với biệt hiệu là “dòng kênh bẩn nhất TP”, nước trong kênh hầu như không chảy được vì rác, ven bờ nhếch nhác với những căn nhà tạm bợ. Mỗi khi mưa xuống rác nổi lềnh bềnh khắp các khu hẻm ven kênh…

Lãnh đạo TP khi ấy đã nhận thấy nhu cầu phải cải tạo dòng kênh này, loại bỏ khu ổ chuột khổng lồ ngay sát cạnh trung tâm TP. Từ năm 1993, TP bắt đầu giải tỏa hàng ngàn hộ dân sống ven kênh và xây dựng hai con đường nhỏ ven kênh mang tên Trường Sa – Hoàng Sa.

Ngày 18/8, dòng kênh thúi một thời đã khoác áo mới
Ngày 18/8, dòng kênh thúi một thời đã khoác áo mới

Đến năm 2003, TP khởi động dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 317 triệu USD với các hạng mục như: lắp đặt tuyến cống bao chay dọc ven kênh để đưa nước thải về nhà máy xử lý, lắp đặt 70km cống thoát nước để giải tỏa áp lực nước mưa và nước thải sinh hoạt trong lưu vực đổ về kênh, nạo vét hàng triệu m3 bùn thối dưới lòng kênh, cải tạo cảnh quan hai con đường ven kênh…

Và đến ngày 18/8, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chính thức hoàn thành, dòng kênh bẩn nhất TP đã được cải tạo thành dòng kênh xanh mát, hai con đường Hoàng Sa – Trường Sa ven kênh đã trở thành hai con đường đẹp nhất nhì TP.

Khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2

Cầu Sài Gòn được xây dựng từ năm 1961. Sau gần 50 năm sử dụng, trải qua cuộc chiến tranh giải phóng, cầu Sài Gòn mang mang đầy “thương tích”. Cây cầu này là cửa ngõ chính để vào nội đô TP, kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh Đông Bắc, lưu lượng xe qua cầu luôn vượt quá năng lực của cầu khiến nó xuống cấp nhanh chóng.

Đến năm 2011, TPHCM đã đầu tư 64 tỷ đồng để sửa chữa cầu Sài Gòn. Tuy nhiên, với lưu lượng giao thông ngày càng cao thì cầu Sài Gòn vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 đã được lên kế hoạch và kêu gọi đầu tư. Đến ngày 14/4, cầu Sài Gòn 2 chính thức khởi công, chuẩn bị để chia lửa cho cầu Sài Gòn hiện hữu đang quá tải trầm trọng.

Ngày 14/4, cầu Sài Gòn 2 đã chính thức khởi công
Ngày 14/4, cầu Sài Gòn 2 đã chính thức khởi công

Theo chủ đầu tư, cầu Sài Gòn 2 có tổng chiều dài cầu là 987,32 m, gồm 30 nhịp, mặt cắt ngang cầu là 23,5 m... Đường đầu cầu phía quận Bình Thạnh dài 350m, phía quận 2 dài 117 m. Tổng mức vồn đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 là gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện trong vòng 21 tháng.

Nối Đại lộ Đông Tây với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây

Ngày 21/12, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức lễ động thổ Dự án Thành phần I thuộc dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là phần kết nối Đại lộ Đông Tây với phần chính của cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Từ năm 2007, khi Bộ Giao thông Vận tải giao cho UBND TPHCM làm chủ đầu tư Dự án Thành phần I, TP vẫn chưa triển khai khởi công được vì nhiều lý do. Đến tháng 7/2010, theo đề nghị của UBND TPHCM, Bộ GTVT đã chuyển giao dự án về cho VEC làm chủ đầu tư.

Mãi đến ngày 21/12, Dự án Thành phần 1 với 3 gói thầu tổng trị giá 4.625 tỷ đồng mới chính thức được động thổ. Đây là sự kiện quan trọng vì khi công trình này hoàn tất sẽ nối thông cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với Đại lộ Đông Tây, kéo dài đến cao tốc TPHCM – Trung Lương, nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm là Đồng Nai, TPHCM và vùng Tây Nam Bộ.

Tùng Nguyên