TPHCM: Nhiều công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ
(Dân trí) - Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2010 vẫn có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ, nhiều công trình kéo dài qua nhiều năm làm đội vốn, gây lãng phí…
Trong năm nay, nhiều công trình giao thông lớn như: đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nút giao thông khu A Nam Sài Gòn; nút giao Cát Lái, cầu Giồng Ông Tố, cầu Hoàng Hoa Thám… hoàn thành, đi vào sử dụng đã giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt công trình trọng điểm chậm tiến độ như: Dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), nút giao thông Gò Dưa, cầu Rạch Chiếc, tuyến đường thủy nội địa ngã ba Đèn Đỏ… Trong đó, có những dự án chậm tiến độ kéo dài qua rất nhiều năm, làm tăng vốn đầu tư, gây lãng phí ngân sách và bức xúc trong dư luận.
Đơn cử như dự án xây dựng cầu vượt Gò Dưa có tổng kinh phí 189 tỷ đồng, đầu tư từ năm 2003. Đến nay TP phải chi thêm gần cả 100 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa xong. Hay dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kế hoạch hoàn thành vào năm 2008, song dây dưa mãi đến nay vẫn chưa xong, vốn tăng lên từ 200 triệu USD lên gần 320 triệu USD…
“Choáng” nhất là dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Sau nhiều năm duyệt kế hoạch đầu tư, phần chính của dự án (tuyến đường điện ngầm) vẫn chưa khởi công nhưng vốn đầu tư đã tăng từ 1,1 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD… Theo giải thích của Sở GTVT thì mức đầu tư của dự án này tăng cao như vậy là do “thay đổi tổng mức đầu tư” chứ không phải “tăng vốn” (!?)
Cũng theo báo cáo của Sở GTVT, hầu hết các dự án chậm tiến độ là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiếu vốn… Đây là 2 khâu mà Sở GTVT không thể can thiệp được. Chẳng hạn như dự án cầu vượt Gò Dưa, dây dưa mãi là bởi vì không GPMB được để thi công; dự án tuyến metro số 1 trần ai lắm mới GPMB xong…
Và hàng loạt dự án khác cũng bị chậm tiến độ do GPMB như đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài, Xa lộ Hà Nội, Liên tỉnh lộ 25B, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, đường Phạm Văn Bạch, vành đai phía Đông… Theo Sở, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do UBND các quận-huyện triển khai các thủ tục bồi thường chậm, nguồn vốn để triển khai công tác đền bù, GPMB bị hạn chế…
Ngoài ra, trong quá trình quản lý dự án thường xảy ra tình trạng một số công trình cần đẩy nhanh tiến độ nhưng vốn kế hoạch bố trí chưa đủ; như trường hợp dự án xây dựng tỉnh lộ 10B, cầu Phú Long, đường Liên cảng A5... Có lúc vốn kế hoạch giao không đủ để chi trả tiền tạm ứng tối thiểu 15% giá trị xây lắp theo quy định; như trường hợp Dự án xây dựng cầu vượt kết nối khu liên hợp Rạch Chiếc với nút Cát Lái…
Tùng Nguyên