TPHCM: Ngày đầu tiên cách ly xã hội có sự chệch choạc
(Dân trí) - Một số địa phương lúng túng, chệch choạc về cung ứng hàng hóa, giao thông, an ninh trật tự trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội. Lãnh đạo TPHCM yêu cầu chấn chỉnh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Những tồn tại cần tháo gỡ
Báo cáo nhanh của các quận huyện cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 đang được triển khai triệt để theo chỉ đạo của thành phố và Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế một số vấn đề đã phát sinh trong đợt cao điểm cách ly xã hội chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TPHCM.
Tại buổi giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố cùng các quận huyện và thành phố Thủ Đức, đại diện Quận 7 cho biết, địa bàn có đặc thù là Khu chế xuất Tân Thuận, số lượng công nhân rất lớn, việc lập danh sách, truy vết có khó khăn. Quận kiến nghị tăng cường lực lượng để phục vụ công tác truy vết của các công ty trong khu chế xuất đồng thời có phương án cách ly, điều trị đối với những trường hợp dương tính.
Tại huyện Bình Chánh, lãnh đạo huyện cho biết, trên địa bàn đã phát hiện khoảng 300 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh nhưng mới có 100 ca được chuyển đến bệnh viện điều trị, 200 ca còn lại chưa có đơn vị tiếp nhận.
Ngoài ra, bệnh viện huyện đã chuyển công năng sang điều trị Covid-19 nên hoạt động chăm sóc, điều trị các bệnh lý thông thường cho người dân đang gặp khó khăn.
Quận 12, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Dương hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra kết quả xét nghiệm đối với những người ra vào thành phố. Cụ thể, Quận đã lập chốt kiểm soát các phương tiện từ các tỉnh đi về TPHCM nhưng quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất về giá trị hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, đang chờ ý kiến thống nhất của thành phố.
Phải tập trung cao độ để kiểm soát dịch
Trước tình hình trên, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: "Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống dịch, mỗi địa phương cần thực hiện đúng nhiệm vụ phân công, tránh chống chéo, sao để các hoạt động đạt kết quả cao. Cán bộ cơ sở phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà", tuyên truyền cho người dân hiểu đúng để thực hiện tốt nhất các quy định trong thời gian cách ly".
Ông Mãi nhấn mạnh: "Hiện còn có những chệch choạc trong tổ chức giao thông, cung ứng hàng hóa, an ninh trật tự… ở các địa phương. Những ngày tới, chúng ta phải sắp xếp, đảm bảo từng người từng gia đình thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Thành phố chỉ còn gần 15 ngày để dập dịch và quyết tâm chỉ mất một lần cách ly như này nên phải tập trung cao độ để cố gắng kiểm soát được tình hình, tránh tính trạng như những lần giãn cách chưa chặt chẽ theo đúng quy định".
Ông Mãi lưu ý vấn đề xét nghiệm, yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ hơn kế hoạch của Ban chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế. Đợt cách ly xã hội này, phương án xét nghiệm có sự thay đổi rất căn bản với mục tiêu phải tầm soát, tách được các F0 ra khỏi cộng đồng, xây dựng vùng an toàn, xóa vùng nguy cơ cao".
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các vùng nguy cơ và xét nghiệm ngẫu nhiên cho vùng bình thường mới. Mặt khác, theo lãnh đạo Thành ủy TPHCM, việc lấy mẫu phải gắn liền với năng lực xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, tổ chức lực lượng không vượt quá năng lực xét nghiệm của cơ sở. Ông Mãi quán triệt, phải nhanh chóng trả kết quả để kiểm soát F0 truy vết tiếp xúc để thu hẹp vùng nguy cơ và nguy cơ cao.
Ông Mãi cũng kêu gọi người dân trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định, mọi người cần ở nhà, không ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết. Việc xét nghiệm, ngành y tế sẽ tổ chức các đội đến từng nhà để lấy mẫu.
Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhắc nhở, ở những địa bàn chưa tổ chức xét nghiệm phải thông báo cho người dân trước. Người dân nếu không có vấn đề sức khỏe cần cấp cứu thì không đi tới bệnh viện. Những người có biểu hiện ho, sốt cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất. Ông Mãi yêu cầu, trong vòng 30 phút đến một giờ, đội lấy mẫu lưu động phải ngay lập tức đến lấy mẫu để thực hiện tốt việc xét nghiệm và giúp người dân an tâm trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Riêng với những khó khăn về y tế tại huyện Bình Chánh, ông Mãi cho rằng, cần thiết phải có bệnh viện tạm để đáp ứng điều trị bệnh lý thông thường cho người dân. Huyện Bình Chánh cần có đề xuất lên Sở Y tế, tham mưu Bộ Y tế để có phương án. Trung ương luôn sẵn sàng chi viện lực lượng và trang thiết bị hỗ trợ TPHCM chống dịch.