1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM: Muỗi bay… đen trời!

Muỗi không chỉ xuất hiện ở quận Bình Thạnh mà đã bùng phát tại nhiều quận khác của TPHCM như quận 7, quận Tân Phú... làm người dân khốn khổ. Nhiều người dân đã dùng nhang xua muỗi, bình xịt nhưng muỗi xuất hiện quá nhiều diệt không xuể.

Nhiều quá, diệt không nổi

Ngày 25/2, chúng tôi có mặt ở khu vực dọc kênh 19/5 thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Dẫn chúng tôi vào nhà, chú Võ Văn Hốt, tổ trưởng tổ 50, khu phố 3, đưa vợt bắt muỗi rà vào sào phơi quần áo, muỗi bay ra thành đàn, nhìn nổi da gà.

Lưới của vợt lóe lên những đốm sáng nhỏ, những tiếng nổ lốp bốp phát ra liên hồi,  mùi  xác muỗi khét lẹt xông lên nồng nặc. Xung quanh các hốc tối như góc tủ, bếp ăn, nhà tắm... chỉ cần dùng tay khua nhẹ là thấy muỗi bay ra ào ào.

Chị Châu Hồng Nguyệt ở địa chỉ 451 Lê Trọng Tấn cho biết thêm: “Trời chập choạng tối là muỗi xuất hiện nhiều hơn. Chúng bay thành từng đàn như ong vỡ tổ, đen xì từ phía con kênh ùa vào nhà nên ai cũng phải đóng cửa hoặc tranh thủ ăn cơm từ sớm để tránh muỗi”.

Những ngày cuối tuần qua, các hộ dân dọc theo các đường số 3, 7 và dọc ao cá Song Tân thuộc phường Tân Kiểng, quận 7 cho biết muỗi tại khu vực này cũng rất nhiều.

Đưa chúng tôi xem hàng chục vết muỗi chích trên bắp tay cổ chân còn lấm chấm đỏ, chị Trương Thị Ngọc Tú (chủ quán cà phê 17 đường số 3) nói: “Đứng đập nước đá chỉ có 2 phút mà bị muỗi cắn như vậy. Cả tháng nay, vào buổi chiều và sáng sớm quán vắng khách hẳn vì muỗi nhiều quá”.

Anh Dũng nhà kế bên phải trang bị đến bốn vợt điện bắt muỗi. “Vào 6 giờ và 18 giờ, vợt khoảng 15 phút là được một vốc tay xác muỗi”, anh Dũng nói. Nhiều người dân lớn tuổi ở đây cho biết mấy chục năm nay chưa khi nào chứng kiến muỗi nhiều như thời điểm này. Có người chỉ hơn một giờ dùng tay giết được gần 400 con muỗi!

Nhiều người dân ở đây lo lắng bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra khi muỗi nhiều lên từng ngày. Chị Chu Thị Ngọc Em (29/1 đường số 3) nói: “Tình trạng muỗi như bây giờ chúng tôi chẳng yên tâm chút nào”.

Ô nhiễm “đẻ” ra muỗi

Theo người dân ở dọc kênh 19/5, muỗi xuất hiện nhiều trong khoảng một tháng qua. Lúc đầu còn ít nhưng mật độ ngày càng dày đặc mà nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nước thải bị tù đọng và lục bình phát triển dày đặc.

Dưới con kênh đoạn từ Lê Trọng Tấn chạy dài hơn 1km về hướng Bình Tân bị bao phủ bởi một lớp lục bình dày đặc, phía dưới là nước thải sâu gần 1m ứ đọng do không thoát được.

Chú Phan Văn Hữu - một người dân ở đây - cho biết trước đây đường Lê Trọng Tấn cắt ngang kênh 19/5 bởi cây cầu. Nhưng khi nâng cấp, mở rộng đường Lê Trọng Tấn thì lấp lại và đặt hai cống thoát nước phía dưới để cho dòng chảy kênh được thông thoáng.

“Nhưng chẳng hiểu sao đơn vị thi công lại đặt hai ống cống này cao hơn đáy kênh gần 1m khiến nước thải tù đọng, không thoát hết được. Hai ống cống dài chỉ hơn 10m, chúng tôi kiến nghị cho hạ thấp nhiều lần nhưng chưa được giải quyết...”, chú Hữu nói. Được biết, dự án mở rộng nâng cấp đường Lê Trọng Tấn đã triển khai từ hơn một năm qua do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.

Muỗi xuất hiện tại khu vực quận 7 (khoảng hai tháng nay) cũng có nguyên nhân tương tự. Dọc con kênh thoát nước lục bình phát triển dày đặc. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường đã thấy lăng quăng nổi đầy trên mặt nước. Những chỗ râm mát, nhiều cây cỏ chỉ cần dùng cây đập vào là muỗi bay ra ào ào.

Trao đổi với báo chí chiều 25/2, ông Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (Sở Y tế), cho biết sẽ cử đoàn cán bộ thuộc tổ côn trùng đến khảo sát mật độ muỗi, lăng quăng tại hai khu vực quận 7 và Tân Phú vào hôm nay (26/2).

Trước đó, ngày 24/2, Trung tâm Y tế dự phòng đã cử các cán bộ y tế thuộc tổ côn trùng  đến khảo sát thực tế tại khu vực cầu Băng Ky trên rạch Lăng (thuộc P.12, Q.Bình Thạnh). Tổ côn trùng đã đến nhà dân khảo sát muỗi, chỉ số lăng quăng, nhằm đánh giá mật độ muỗi ở mức nào và xác định có những loại muỗi gì để triển khai các biện pháp chủ động diệt muỗi, lăng quăng...

Theo Quang Khải - L.TH.H
Báo Tuổi trẻ