TPHCM mua gần 1.700 xe buýt mới thay thế cho xe xuống cấp

(Dân trí) - UBND TP vừa phê duyệt đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới trên địa bàn TP giai đoạn 2014 - 2017 nhằm thay thế các xe buýt hiện đã xuống cấp. Hiện nhiều xe buýt của TP đã rệu rã, thùng xe móp méo, sơn bong tróc, kính nứt vỡ, xả nhiều khói…

TPHCM có khoảng 3.000 xe buýt thì hầu hết đều được đầu tư trong giai đoạn 2003 – 2004. Đến năm 2010, nhiều xe đã xuống cấp nặng nên trong đề án Đầu tư phát triển mới phương tiện xe buýt giai đoạn 2011 – 2015, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã đề xuất đầu tư mua mới 1.680 xe để thay thế. Trong đó có 571 xe loại 80 chỗ, 409 xe loại 55 chỗ và 700 xe loại 40 chỗ. Tổng kinh phí để mua xe lên đến 1.878 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 1.680 xe buýt mới mà UBND TP vừa phê duyệt thì chỉ có 560 xe loại 80 chỗ (260 xe chạy bằng dầu diesel và 300 xe chạy bằng khí CNG), 696 xe 40 chỗ chạy dầu diesel, xe 55 chỗ thì tăng lên thành 424 xe.

Nhiều xe buýt đang hoạt động đã xuống cấp trầm trọng
Nhiều xe buýt đang hoạt động đã xuống cấp trầm trọng

Số xe buýt này sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2017. Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ mua 341 xe; năm 2015 mua 470 xe; năm 2016 mua 455 xe và năm 2017 mua 414 xe. Các xe buýt được đầu tư theo đề án này phải hoạt động trên các tuyến xe buýt ở TP với thời gian tối thiểu là 7 năm.

Hình thức thực hiện đề án đầu tư xe mới này vẫn như các chương trình đầu tư xe buýt mới trước đây của TP, tức là kêu gọi các tổ chức (công ty, hợp tác xã) đầu tư mua xe và kinh doanh, nhà nước hỗ trợ một phần chi phí mua mới bằng cách hỗ trợ lãi vay ưu đãi và trợ giá khi hoạt động.

Để có nguồn kinh phí thực hiện đề án này, Sở GTVT đề xuất TP cho phép bán thanh lý gần 2.000 xe buýt đã đầu tư mua trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, số tiền bán thanh lý trên cũng không đủ để trang bị xe mới nên hình thức hỗ trợ nhà đầu tư trong đề án này là nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, 70% còn lại được vay ngân hàng.

Để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện đầu tư phương tiện, UBND TP chấp thuận hỗ trợ lãi vay đối với 70% chi phí đầu tư phương tiện cho các nhà đầu tư đã trả trước 30% giá trị xe. Thời gian cấp bù chênh lệch lãi suất là 7 năm.

Mức lãi suất hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế thời gian vay vốn của nhà đầu tư, nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.

Nhiều xã viên đầu tư vào ngành xe buýt cho là với phương thức hỗ trợ như trên thì đề án này rất khó khả thi. Nguyên nhân chính là đầu tư vào ngành xe buýt lãi không cao. Trong đề án đầu tư xe buýt thực hiện từ năm 2003, các xã viên chỉ cần đăng ký đầu tư mà không phải trả trước 30% giá xe, đồng thời họ còn được hưởng mức lãi suất ưu đãi rất tốt là 0,25%/tháng, trả theo từng quý.

Nhưng thực tế doanh thu chỉ đủ cho xã viên, nhà đầu tư trả tiền vay mua xe, trang trãi chi phí hoạt động và có một mức lợi nhuận khiêm tốn, không đủ để tu dưỡng xe nên tình trạng xe ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Tùng Nguyên