TPHCM: Mỗi ngày vớt hàng chục tấn rác trên 4 con kênh
(Dân trí) - Tại TPHCM, trên 4 con kênh (Đôi, Tẻ, Tàu Hũ, Bến Nghé), công nhân môi trường vớt từ 10-40 tần rác mỗi ngày, đợt cao điểm lên đến 80 tấn. Trong đó, đa phần là rác thải sinh hoạt, túi nilon, mút xốp được xả thẳng xuống kênh.
Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho biết, đề án vớt rác trên và ven kênh Đôi, Tẻ, Tàu Hũ, Bến Nghé (trên địa bàn các quận 1, 4, 5, 6, 7 và 8) được bắt đầu từ đầu năm 2015.
Tổng chiều dài 4 con kênh vào khoảng 25 km. Trung bình mỗi ngày vớt được từ 10-40 tấn rác. Các ngày lễ, tết thì khối lượng rác tăng đột biến, từ 60-80 tấn. Trong thành phần rác thải trên kênh, rác thải sinh hoạt và túi nilon, mút xốp chiếm đến 70%, còn lại là cỏ, lục bình.
Toàn bộ lượng rác được đưa về khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) chôn lấp.
Nguồn rác này chủ yếu do các hộ dân, hộ kinh doanh trên và ven 4 con kênh xả ra. Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP (thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường) kiến nghị tăng cường vớt rác trên hệ thống kênh là 1 ngày một lần thay vì 2 ngày một lần như trước.
Sở Tài nguyên – Môi trường TP cũng đề nghị các quận tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành vi xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch.
Tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch, hệ thống cống thoát nước gây bức xúc dư luận xã hội và làm “nóng” nghị trường HĐND TPHCM vì ô nhiễm môi trường và ngập thành phố.
Tại kỳ họp thứ thứ 9 của HĐND TPHCM mới đây, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân thì cần xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi. Xử lý nghiêm sẽ khiến người dân thay đổi ý thức.
“Singapore xử lý nghiêm việc xả rác nơi công cộng. Người Việt mình qua bên đó cũng tuân thủ. Vậy thì mình phải xử lý nghiêm khi xả rác bừa bãi”, bà Tuyết nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng cũng là người Việt nhưng khi qua Singapore thì họ lại nghiêm chỉnh chấp hành quy định, không xả rác.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP cho biết, công tác tuyên truyền và xử phạt hành vi xả rác tại địa phương chưa hiệu quả. Theo ông Dũng, có những con rạch rác nhiều tới mức người đi bộ qua được…
Theo báo cáo của Sở Tài chính, hàng năm thành phố chi 1.150 tỷ đồng cho công tác nạo vét cống; 2.848 tỷ đồng cho việc quét rác (700 tỷ đồng), vận chuyển rác (553 tỷ đồng), phân loại rác (88 tỷ đồng), xử lý rác (hơn 1.500 tỷ đồng).
Quốc Anh