1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM mất tiền tỉ trong mỗi đợt triều cường

(Dân trí) - Mỗi tháng TPHCM đều đặn “đón” hai đợt triều cường, một năm có 12 đợt trong mùa mưa, đỉnh triều lên rất cao, làm vỡ đê bao và gây ngập nước tại hàng chục khu vực dân cư rộng lớn. Cơ quan chức năng xác định, thiệt hại mỗi đợt triều cường như thế là vài tỉ đồng.

Nhưng trên thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều.

 

Thiệt hại vật chất

 

Đợt triều cường cuối tháng 10 vừa qua là lần thứ 3 trong năm 2007, nông dân trồng mai ở phường Hiệp Bình Chánh phải hứng chịu hậu quả của việc vỡ đê bao. Trước đó, trong đợt triều cường tháng 3 và tháng 9, tại khu vực này cũng có hàng loạt điểm đê bao bị vỡ gây ngập úng toàn khu vực, nhiều vườn mai thối gốc chết hàng loạt.

 

Đợt triều cường cuối tháng 10 này, trên địa bàn quận Thủ Đức đã có hơn 75ha trồng chủ yếu là mai và cây cảnh bị ngập nước, khả năng thất bát rất cao. Ông Thanh - một chủ vườn mai tại phường Hiệp Bình Chánh - cho biết: “Nhà tôi trồng mai trong chậu nên còn cứu được phần lớn, chớ mấy nhà trồng mai vườn thì hết cách cứu”.

 

Đi đâu cũng nghe các chủ vườn mai than thở: “Ngập kiểu này là khỏi ăn Tết luôn!”. Bởi chỉ cần ngập vài ngày là mai có thể bị thối gốc, “may mắn” hơn thì ra hoa trước Tết. Như vậy cũng không bán được cho ai.

 

Theo ước tính của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TPHCM thì thiệt hại tại quận Thủ Đức do triều cường trong đợt này là chừng 570 triệu đồng. Chủ yếu là hư hại hoa, cây cảnh của người dân. Nhưng theo ông Thanh thì chỉ riêng gia đình ông, dù đã cứu được phần lớn, chỉ ngập vài chục gốc mai, mà thiệt hại đã lên đến cả chục triệu. Kể gì đến các hộ chết hàng trăm gốc.

 

Còn nông dân các quận huyện như Hóc Môn, Nhà Bè, quận 7, quận 12… mỗi địa phương cũng có hàng chục ha hoa màu, rau xanh, cây cảnh… bị ngập úng. Vậy thiệt hại là bao nhiêu? Dù chưa có cơ quan nào thống kê, nhưng chắc cũng không kém gì quận Thủ Đức.

 

Đó là chưa kể đến thiệt hại đồ gia dụng trong các nhà dân. Có những hộ mọi đồ dùng trong nhà đều trong tình trạng ngâm nước, rất nhiều nhà sau đợt triều cường này phải vứt cả những đồ điện tử, điện lạnh đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, xe máy,… vì bị ngâm nước sâu tới 1m.

 

Những thiệt hại không được đo đếm

 

Mỗi đợt triều cường gây ra những thiệt hại “ngầm”, không được thống kê như cản trở việc đi lại, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán, chi phí sinh hoạt tăng cao vì điều kiện nước ngập,…

 

Chị Hân, nhân viên quán cà phê trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), chặc lưỡi: “Mỗi đợt triều cường, quán em chẳng bán được gì. Chỉ lai rai vài khách quen. Mỗi đêm cũng mất đứt hai, ba chục ngàn”.

 

Anh Kiệt, chủ quán cơm bình dân trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức), cũng cùng chung chia sẻ: “Làm ở đây thì ngày rằm với đầu tháng là sợ vì những ngày này triều lên. Cơm bán được đã ít, nhiều lúc nước ngập sát mép quán, xe lớn chạy ngang một cái là nước bắn tung tóe đầy quán”.

 

Đó là chưa kể đến vấn đề dịch bệnh thường xảy ra sau mỗi đợt ngập kéo dài. Cũng chưa kể đến những nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em, người già yếu, khi nước cứ ngập mấp mé 1m. Năm 2005, tại Thủ Đức đã có một cụ già bị tủ đồ đè chết khi triều cường lên.

 

Sau mỗi đợt triều cường, TPHCM lại hứng chịu rất nhiều những thiệt hại vô hình như thế, không ai thống kê thành con số.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm