1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM làm 7 ứng dụng lớn hỗ trợ phòng, chống dịch trong 5 tháng

Quang Huy

(Dân trí) - Trong 5 tháng phòng, chống Covid-19, TPHCM đã phát triển hệ thống ứng dụng và kết nối dữ liệu khối lượng lớn, mà bình thường phải tính bằng vài năm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kiểm soát, quản lý mọi hoạt động của đời sống là xu thế tất yếu của TPHCM và cả nước. Với hệ thống ứng dụng và khối lượng dữ liệu đồ sộ, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - chia sẻ, trong vòng 5 tháng, thành phố đã phát triển hệ thống ứng dụng và kết nối dữ liệu mà bình thường phải tính bằng vài năm.

"Trong thời gian đầu dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta chưa có một kế hoạch toàn diện và sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Đến nay, thành phố đã ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị" - Giám đốc Sở TT&TT TPHCM nhìn nhận.

TPHCM làm 7 ứng dụng lớn hỗ trợ phòng, chống dịch trong 5 tháng - 1

TPHCM đã xây dựng hệ thống ứng dụng và kết nối dữ liệu đồ sộ trong 5 tháng phòng, chống Covid-19 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

7 ứng dụng lớn trong phòng, chống dịch

Lãnh đạo Sở TT&TT TPHCM cho biết, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố có 3 nhóm ứng dụng công nghệ thông tin gồm hệ thống các ứng dụng, trung tâm dữ liệu và cổng 1022 - hạ tầng thông tin liên lạc. Trong đó, thành phố đã hình thành 7 nhóm ứng dụng lớn nhằm phục vụ đánh giá mức độ dịch, tiêm chủng vaccine và truyền đạt thông tin.

Cụ thể, ứng dụng đầu tiên của thành phố là hệ thống bản đồ điện tử phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Sở TT&TT thực hiện. Ứng dụng này gồm 3 hệ thống bản đồ điện tử là bản đồ đánh giá mức độ nguy cơ an toàn; bản đồ phục vụ công tác thống kê, tổng hợp, chỉ đạo trong thời gian thực; bản đồ phục vụ thông tin cho người dân.

TPHCM làm 7 ứng dụng lớn hỗ trợ phòng, chống dịch trong 5 tháng - 2

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM (Ảnh: Q.H.).

Ứng dụng thứ 2 là hệ thống tiêm chủng vaccine Covid-19 TPHCM. Giám đốc Sở TT&TT cho biết, thời gian qua, do phần mềm quản lý tiêm vaccine Covid-19 của Trung ương chưa hoàn thiện, công tác nhập liệu của cơ sở tiêm chủng chưa đầy đủ, Sở TT&TT đã hỗ trợ ngành y tế huy động lực lượng tình nguyện viên (khoảng 1.000 người) để xử lý phản ánh của người dân.

Đến nay, thành phố đã xử lý được hơn 1,5 triệu lượt phản ánh, đạt gần 94%. Dự kiến trong tháng 10, khi ứng dụng PC-COVID trở thành ứng dụng phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc, dữ liệu tiêm chủng sẽ liên thông, đồng bộ với nhau giữa các ứng dụng.

TPHCM cũng phát triển Cổng Thông tin Covid-19 thành phố nhằm cung cấp những thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn. Thời gian qua, cổng thông tin đã khẳng định được những chủ trương công khai, minh bạch của chính quyền thành phố đối với người dân.

TPHCM làm 7 ứng dụng lớn hỗ trợ phòng, chống dịch trong 5 tháng - 3

TPHCM có 7 ứng dụng lớn được áp dụng trong công tác phòng, chống Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn)

TPHCM cũng phát triển Cổng Thông tin An toàn Covid-19, cung cấp mã QR và công cụ để các tổ chức, doanh nghiệp tự đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các Bộ tiêu chí do Thành phố ban hành; hỗ trợ các cơ quan Nhà nước thực hiện công tác quản lý, giám sát.

Bên cạnh đó, TPHCM còn 3 ứng dụng lớn khác là Hệ thống khai báo Y tế điện tử của thành phố, Hệ thống Giám sát cách ly tại nhà, Ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường Oxy cho các cơ quan chức năng và người dân.

"Như vậy, trong 5 tháng, thành phố đã phát triển hệ thống ứng dụng và kết nối dữ liệu khối lượng lớn, mà bình thường phải tính bằng vài năm. Đồng thời, đa phần các công việc này đều dùng kinh phí từ nguồn xã hội hóa, tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách thành phố", ông Lâm Đình Thắng nhận định.

Vẫn còn hạn chế về công nghệ

"Một thực tế phải nhìn nhận là còn một số hạn chế về ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Điển hình là thiếu dữ liệu, tính liên thông chưa tốt", ông Lâm Đình Thắng nêu vấn đề.

Lãnh đạo Sở TT&TT phân tích, những hạn chế trên dẫn đến những hạn chế trong việc phục vụ công tác phòng, chống dịch và đưa ra đánh giá tình hình, dự báo, ra quyết định của chính quyền. Đây là vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

TPHCM làm 7 ứng dụng lớn hỗ trợ phòng, chống dịch trong 5 tháng - 4

TPHCM cần nâng tỷ lệ khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thời gian tới (Ảnh: Quang Huy).

Do vậy, việc tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch và rà soát, củng cố, chuẩn bị các kịch bản cho tương lai là một trong những chủ trương lớn về công nghệ của UBND TPHCM thời gian tới.

Chủ trương tiếp theo của thành phố là tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn. Trong đó, Sở TT&TT đang tích cực tham mưu cho UBND TPHCM thực hiện việc nâng tỷ lệ khai thác các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Ngoài ra, thành phố cần phát triển, khai thác hiệu quả kho dữ liệu dùng chung với dữ liệu lớn (big data). Mô hình quản trị công của thành phố cần dựa trên dữ liệu và các góp ý của chuyên gia về mặt công nghệ.

"Đổi mới hành chính công và quản trị công là giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để doanh nghiệp tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình", lãnh đạo Sở TT&TT nhìn nhận.

TPHCM làm 7 ứng dụng lớn hỗ trợ phòng, chống dịch trong 5 tháng - 5

Tình nguyện viên của Cổng thông tin 1022 trong ca trực (Ảnh: HMC).

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tính toán đến việc phát triển tổng đài 1022 thành cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền. 

Sở TT&TT góp ý, thành phố nên thí điểm xây dựng một ứng dụng dùng chung. Qua ứng dụng đó, chính quyền thành phố có thể kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu, dịch vụ liên ngành giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm dịch vụ, thực hiện giao dịch với các cơ quan Nhà nước thuận tiện theo hướng một cửa điện tử.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm