1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: La liệt cầu “treo”

(Dân trí) - Đầu tháng 7/2008, các cơ quan chức năng TPHCM liên tục báo cáo những tin không vui về tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó nổi cộm lên vấn đề hàng loạt cây cầu huyết mạch đang xây dựng tiếp tục trễ tiến độ.

Cầu Nguyễn Văn Cừ dài gần 1.120m, trọng tải 30 tấn, là một dự án giao thông trọng điểm được UBND TPHCM kêu gọi đầu tư vào năm 2000, nhưng đến tháng 3/2005 nó mới được khởi công do phải nhiều lần thay đổi thiết kế. Từ khâu kêu gọi đầu tư đến khởi công này, công trình đã đội giá từ 240 tỷ đồng lên 371 tỷ.

 

Lúc khởi công dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào đầu năm 2007, nhưng đến thời hạn thì đơn vị chủ đầu tư là khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) liên tục xin gia hạn vì vướng mắc giải phóng mặt bằng. Sau vài lần gia hạn như thế, giá thành cây cầu này đội lên thành 535 tỷ đồng, cao gấp đôi ban đầu. 

 

Cái hạn mới nhất mà Khu 1 xin được là ngày 31/12/2008 sẽ hoàn thành cũng vừa được công bố là không thể đạt được, xin gia hạn đến cuối tháng 1/2009. Lý do: giá vật liệu leo thang, dù UBND TP đã phá lệ ứng trước cho đơn vị này 50 tỷ đồng để xây dựng kịp tiến độ. Tuy vậy, chưa chắc lần xin gia hạn này là cuối cùng, vì cầu xây đã hơn 3 năm nhưng 4 gói thầu xây lắp chính mới đạt được gần 50% khối lượng.

 

Nói đến trễ tiến độ không thể không nhắc đến cầu Hoàng Hoa Thám. Dù nó chỉ dài 100m nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu hoàn tất, cầu sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng… lâu nay luôn trong tình trạng quá tải và thường xuyên ùn tắc.

 

Cây cầu này cũng cực kỳ “nổi tiếng” về độ “treo dài hạn”. Được phê duyệt đầu tư xây dựng từ tháng 4/1998, nhưng sau 10 năm khởi công thì công trình này mới chỉ xong được 3 trụ cầu nằm giữa lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đáng nói là vì sự chậm trễ đó, kinh phí xây cầu đã đội lên từ 19 tỷ đồng thành 119 tỷ đồng.

 

UBND TP đã duyệt đầu tư 119  tỷ để xây cây cầu này trong tháng 3/2008, dự kiến tháng 4/2008 sẽ khởi động. Nhưng chưa kịp khởi động thì tình hình lạm phát tăng cao, dự kiến này tiếp tục bị kéo dài. Đến nay thì UBND quyết định: cắt giảm dự án này để kiềm chế lạm phát. Vậy là cây cầu này tiếp tục “treo”.

 

Đầu tháng 7, Khu 1 cũng công bố các gói thầu phụ giúp hoàn thiện cầu Thủ Thiêm, kết nối cầu với đường cũng sẽ chậm 6 tháng so với tiến độ ban đầu, đến cuối năm 2009 mới hoàn tất được.

 

Cầu Công Lý dự định vào tháng 9 sẽ hoàn tất nhưng thực tế là chưa biết đến bao giờ xong. Vì thời gian cầu hoàn tất còn phụ thuộc vào việc lắp đặt cống thoát nước thuộc dự án Vệ sinh môi trường đang nhì nhằng về tiến độ. Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Khu 1 - hứa chắc là trong tháng 9/2008 sẽ thông xe cầu, còn hoàn tất thì chưa dám hứa.

 

Bốn cây cầu trên tuyến đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) là Hà Thanh, Rạch Lá, Lôi Giang và An Nghĩa có tổng vốn đầu tư gần 150 tỉ đồng cũng chung tình trạng hứa rồi xin, xin rồi hứa như vậy. 

 

Lẽ ra 4 cây cầu này phải xong vào năm 2006 nhưng cứ mỗi đợt đến kỳ hạn thì cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư là công ty Quản lý công trình cầu phà lại tiếp tục xin gia hạn với đủ thứ lý do và khó khăn. Năm lần bảy lượt như vậy, cho đến nay chúng vẫn còn dang dở. 

 

Và trong cuộc họp ngày 25/6 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tiếp tục gia hạn ngày hoàn thành cho cầu Hà Thanh đến cuối tháng 7/2008, các cầu Rạch Lá và Lôi Giang sẽ hoàn tất trong tháng 9/2008, cầu An Nghĩa phải chuyển chủ đầu tư mới. Nhưng đó cũng chỉ mới là hứa.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm