1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM kiến nghị biện pháp khẩn cấp để ngăn tẩu tán tài sản tham nhũng

Q.Huy

(Dân trí) - TPHCM kiến nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên, phong tỏa tài sản ngay khi xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố khi phát hiện dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Thời gian qua, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại TPHCM gặp những khó khăn nhất định. Một trong những khó khăn là nhiều vụ án có giá trị tài sản phải thi hành án rất lớn, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, giải thể.

Trong các khó khăn được UBND TPHCM báo cáo gửi tới Bộ Tư pháp, địa phương này chỉ rõ, trong quy định hiện hành, quá trình điều tra chỉ cho phép kê biên tài sản có giá trị tương ứng với giá trị phạm tội và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi đó, mức độ và giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng chỉ được xác định đầy đủ, cụ thể khi bản án có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn không được đầy đủ do giá trị tài sản kê biên trong quá trình điều tra thường thấp hơn giá trị tài sản phải thu hồi. Bên cạnh đó, những tài sản không được kê biên trong quá trình điều tra rất dễ phát sinh tẩu tán.

TPHCM kiến nghị biện pháp khẩn cấp để ngăn tẩu tán tài sản tham nhũng - 1

Khu đất đắc địa 4 mặt tiền tại số 8-12 Lê Duẩn bị để không, lãng phí do liên quan đến một vụ án (Ảnh: Hải Long).

Mặt khác, việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Điều này dẫn đến việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát còn chậm, gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm tìm cách đối phó, hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác.

Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng không cho phép cơ quan điều tra được xử lý tài sản ở giai đoạn điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra vụ án. Thực tế, nhiều vụ án có vật chứng là tài sản giá trị lớn nhưng không xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội, phải đình chỉ, dẫn đến thất thoát cho Nhà nước hoặc tài sản bị giảm giá trị khi kê biên.

UBND TPHCM cũng nêu thực trạng, việc thi hành án đối với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, xuất hiện một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, huy động vốn nhằm mục đích trục lợi, "ôm tiền bỏ trốn". Tình trạng này cũng có một phần nguyên nhân đến từ sự việc thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, quy định về doanh nghiệp bỏ trốn trong pháp luật hiện hành còn bị bỏ ngỏ.

Trước những bất cập trên, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế. Trong đó, quy định về tố tụng cần được sửa đổi, cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn (phong tỏa tài khoản, ngăn chặn chuyển nhượng) tất cả người có hành vi phạm tội đối với tội tham nhũng, kinh tế.

Thành phố cũng kiến nghị cho cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố khi phát hiện dấu hiệu tẩu tán tài sản. Cơ quan điều tra cũng cần có quyền kê biên tài sản có giá trị lớn hơn mức mà bị can, bị cáo có thể bị phạt tiền, tịch thu, bồi thường.

Đặc biệt, UBND TPHCM kiến nghị quy định cơ chế đặc thù để thu hồi tài sản cho Nhà nước ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để tránh tình trạng tẩu tán, làm thất thoát tài sản. Việc này nhằm đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng.