1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ nhà thầu Metro số 1 đòi bồi thường:

TPHCM không lường trước "kịch bản" bị đòi bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dù rút kinh nghiệm từ các dự án trước nhưng việc chậm trễ bàn giao mặt bằng dẫn đến bị nhà thầu đòi bồi thường là ngoài dự tính. Theo vị này, việc quy trách nhiệm… để tính sau, đơn vị sẽ… rút kinh nghiệm sâu sắc!!!

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM – chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên – bị nhà thầu khiếu nại và đòi bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày do chậm bàn giao mặt bằng thi công dự án so với cam kết trong hợp đồng. Theo hợp đồng, toàn bộ mặt bằng phải bàn giao cho nhà thầu vào tháng 1/2013. Tuy nhiên, đến tháng 3/2015 việc bàn giao mặt bằng mới hoàn tất, tức chậm 27 tháng. Theo tính toán, số tiền bồi thường có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thi công lắp đốt dầm chữ U đoạn trên cao tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tại khu vực Thảo Điền (quận 2)
Thi công lắp đốt dầm chữ U đoạn trên cao tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tại khu vực Thảo Điền (quận 2)

Về vấn đề trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Khắc Huỳnh – Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM.

Thưa ông, ông có thể cho biết rõ hơn về số tiền 2,5 tỷ đồng/ngày mà nhà thầu khiếu nại đòi bồi thường?

Ông Lê Khắc Huỳnh: Con số 2,5 tỷ đồng là số liệu tính toán sơ bộ ban đầu mà Ban Quản lý đường sắt đô thị báo cáo UBND TPHCM vào cuối năm 2012 khi nhận thấy tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng bị chậm hơn so với kế hoạch trong hợp đồng. Số tiền này là tổng chi phí ước tính bình quân một ngày hoạt động của cả bộ máy nhà thầu để phục vụ việc thi công công trình.

Vậy chủ đầu tư sẽ xử lý thế nào đối với yêu cầu bồi thường của nhà thầu?

Ông Lê Khắc Huỳnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị đã và đang tiếp tục thương thảo, làm rõ với nhà thầu về từng chi phí phát sinh, bước đầu đã có những bước tiến tích cực. Theo đó, danh mục các chi phí phát sinh theo yêu cầu của nhà thầu đã được nhà thầu giảm bớt do bất hợp lý.

Tuy nhiên, do có những quan điểm khác nhau nên các bên chưa thống nhất được phương án tính toán giá trị phát sinh sau cùng. Hiện nay, Ban quản lý đang giao cho đơn vị tư vấn tiếp tục thảo luận chi tiết với nhà thầu để xác định những phát sinh hợp lý, sau đó sẽ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thưa ông, nguyên nhân nào khiến việc bàn giao chậm trễ đến hơn 2 năm? Chủ đầu tư có lường trước khả năng phải bồi thường vì công tác giải phóng mặt bằng luôn hiện nay rất chậm chạp?

Ông Lê Khắc Huỳnh: Rút kinh nghiệm từ những dự án khác, trong quá trình đàm phán hợp đồng, đoàn đàm phán đã chủ động thỏa thuận với nhà thầu về mốc thời gian tính chi phí phát sinh. Cụ thể, nếu không nhận được mặt bằng đúng theo thời điểm thỏa thuận (đầu tháng 1/2013, tức 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng), nhà thầu có quyền gia hạn thời gian hoàn thành. Nếu thời gian nhận bàn giao mặt bằng bị trì hoãn hơn 6 tháng (tiếp theo), nhà thầu có quyền yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hợp lý cho những tháng tiếp theo (từ tháng 7/2013).

Về vấn đề này đoàn đàm phán hợp đồng đã báo cáo cho Chủ tịch UBND TP trong quá trình đàm phán hợp đồng và đã nhận được sự cam kết hoàn thành công tác hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2012 của các địa phương có liên quan.

Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm hơn 27 tháng (hơn 2 năm) so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan, mặc dù hàng tháng Chủ tịch UBND TP đều tổ chức họp nghe báo cáo để xử lý. Việc chậm trễ này hoàn toàn nằm ngoài các ước tính của đoàn đàm phán hợp đồng và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP mặc dù đã có những tiên liệu phòng ngừa trước đó.

Thưa ông, vậy khi nào sẽ bồi thường thiệt hại cho nhà thầu và trách nhiệm trong việc này thuộc về đơn vị, cá nhân nào?

Ông Lê Khắc Huỳnh: Hiện nay công tác đàm phán với nhà thầu vẫn đang tiếp tục. Dự kiến, hai bên sẽ ngồi lại giải quyết với nhau ở giai đoạn cuối dự án (2018 – 2019). Việc nhà thầu khiếu nại đòi bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng là "kịch bản" ngoài dự tính. Về trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào để sau này tính. UBND TP sẽ có cuộc họp để quyết vấn đề này.

Qua sự việc này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc cho những dự án tiếp theo. Công tác giải phóng mặt bằng phải được đặt lên hàng đầu. Trước đây, công tác định giá giải phóng mặt bằng được giao cho các quận. Nay UBND TP chỉ đạo giao cho Sở tài nguyên – Môi trường, Hội đồng thẩm định bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố; thuê đơn vị định giá độc lập tham gia, để làm sao cho mức giá phù hợp, giá giữa các quận, huyện không quá chênh lệch, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Ngoài ra, đối với dự án triển khai trên địa bàn tỉnh lân cận, chúng tôi sẽ đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành giữa 2 địa phương để thường xuyên gặp nhau, trao đổi để chỉ đạo kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan.

Quốc Anh

TPHCM không lường trước "kịch bản" bị đòi bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày - 2