1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: "Khai tử" 2 tuyến xe buýt lỗ lớn

(Dân trí) - Xe buýt ế khách, đơn vị vận tải không đủ chi phí duy trì hoạt động nên Sở Giao thông vận tải TPHCM đồng ý tạm ngưng hoạt động 2 tuyến xe buýt.

Sở Giao thông vận tải TPHCM đồng ý tạm ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 149 (Công viên 23/9 – Tân Phú – Bến xe An Sương) và tuyến số 40 (Bến xe Miền Đông – Bến xe Ngã Tư Ga) vì… ế khách.


Tại TPHCM, nhiều tuyến xe buýt bỏ chuyến vì mức trợ giá thấp, doanh nghiệp không đủ chi phí hoạt động

Tại TPHCM, nhiều tuyến xe buýt bỏ chuyến vì mức trợ giá thấp, doanh nghiệp không đủ chi phí hoạt động

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, việc ngừng hoạt động tuyến xe buýt số 149 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của hành khách do không còn tuyến xe buýt phục vụ trên các tuyến đường như Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Trường Sa, Hoàng Sa, Lê Bình, Hồng Lạc, Thoại Ngọc Hầu, Bình Long.

Tuy nhiên, hành khách hiện đang sử dụng tuyến xe buýt số 149 vẫn có thể sử dụng các tuyến xe buýt khác để thay thế mặc dù không được thuận tiện so với việc sử dụng tuyến xe buýt 149.

Cụ thể, hành khách đang sử dụng tuyến xe buýt số 149 trên đoạn Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Trường Sa, Hoàng Sa, Lê Bình có thể sử dụng tuyến xe buýt số 28, 30, 65 đang hoạt động trên hai trục đường song song (Lê Văn Sĩ và Cách Mạng Tháng Tám) để thay thế.

Hành khách đang sử dụng tuyến xe buýt số 149 trên đoạn Hồng Lạc, Thoại Ngọc Hầu có thể sử dụng tuyến xe buýt số 27, 64, 69; trên đoạn đường Bình Long có thể sử dụng tuyến xe buýt số 30, 51, 69.

Hành khách đi xe buýt tuyến số 40 có thể sử dụng một số tuyến khác như số 3, 32, 59 trên đoạn đường Nguyễn Oanh – Hà Huy Giáp; tuyến 146 trên đoạn đường Phan Văn Trị - Lê Đức Thọ; tuyến 36, 95 trên đoạn đường Phan Văn Trị; tuyến 64 trên đoạn Nguyễn Xí – Nơ Trang Long.

Sở GTVT TPHCM xin tăng thêm tiền trợ giá xe buýt 330 tỷ đồng
Sở GTVT TPHCM xin tăng thêm tiền trợ giá xe buýt 330 tỷ đồng

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, kinh phí trợ giá thấp khiến xe buýt thường xuyên bỏ chuyến, thậm chí có tuyến xe buýt bỏ chuyến hàng loạt. Do đó, sở này kiến nghị thành phố bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt khoảng 330 tỷ đồng.

Trong năm 2018, bố trí kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng (bằng năm 2017) trong điều kiện các đơn vị vận tải thực hiện đầu tư thay thế xe buýt mới và giá nhiên liệu có xu hướng tăng, nên việc phê duyệt và thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải rất khó khăn.

Theo Sở GTVT TP, việc bố trí trợ giá cho hoạt động xe buýt những năm qua ngày càng giảm, với tỷ lệ trợ giá/chi phí những năm gần đây dưới 40%. Trong khi đó, tỷ lệ trợ giá cho xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2014-2016 bình quân khoảng 55%.

Theo Sở GTVT TP, với tình hình trợ giá nêu trên, những năm gần đây, việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải tốn nhiều thời gian đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ xe buýt.

Điều đáng nói, khi ký hợp đồng với mức trợ giá thấp so với thực tế hoạt động đã xảy ra trường hợp xe buýt thường xuyên bỏ chuyến do không đảm bảo chi phí hoạt động (như các tuyến: 10, 18, 40, 43, 44, 54, 65, 78…).

Gần đây nhất là tuyến xe buýt trợ giá số 51 bỏ chuyến hàng loạt vào ngày 10-11/7, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ chung của ngành. Trong số những tuyến xe buýt bỏ chuyến, tuyến số 40 được cho tạm ngưng hoạt động.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm