1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM giới thiệu ứng dụng "đối thủ" của Uber?

(Dân trí) - Chưa có hồi kết cho những tranh luận xung quanh Uber thì ngày 18/12, Sở GTVT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giới thiệu ứng dụng LiveTaxi - một ứng dụng với những tiện ích mang lại cho người dùng trên điện thoại thông minh.

Ra đời để "chống lại" Uber?

Ngày 18/12, Sở GTVT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giới thiệu ứng dụng LiveTaxi trên điện thoại thông minh. Đây được xem là một công cụ hỗ trợ quản lý để đưa các hãng taxi truyền thống cạnh tranh với Uber.

Một chiếc xe Uber bị lập biên bản ngày
5/12/2014
Một chiếc xe Uber bị lập biên bản ngày 5/12/2014

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP, LiveTaxi thực chất là đề tài “nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt và thử nghiệm thiết bị GPS tích hợp có thiết bị in tự động chứng từ để xác định lộ trình”. Sở này cho rằng, bên cạnh sự phát triển ngày càng nhanh của hệ thống giao thông nói chung và các doanh nghiệp taxi nói riêng, cũng kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh như mất đồ, chặt chém khách, đưa khách chạy lòng vòng tính thêm cước, làm ảnh hưởng đến khách hàng, gây mất uy tín hãng xe, ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam trong mắt người nước ngoài. Chính vì vậy, năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ trì đề tài trên nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo nhóm nghiên cứu đề tài cho biết, LiveTaxi có thể làm được như Uber bởi những tính năng như: xác định vị trí xe theo thời gian để người dùng chọn xe gần nhất; kiểm soát hành trình, tự tính tiền tránh gian lận; xác định cước phí qua email, SMS làm căn cứ giải quyết tranh chấp; có dữ liệu để hãng xe quản lý tối ưu; thậm chí còn có ưu điểm hơn Uber nhờ có dữ liệu để cơ quản lý điều hành cũng như phục vụ xã hội.

Ông Đoàn Lê Minh, Giám đốc điều hành công ty CPĐT&PT Công nghệ Huy Hoàng nhấn mạnh, LiveTaxi tiện ích hơn Uber ở chỗ có thể liên kết với khách hàng ngay cả khi điện thoại thông minh ở chế độ "offline", nghĩa là không có 3G, không kết nối mạng internet, cũng có thể sử dụng được. Lúc đó, thông tin về hành trình, tài xế, cước phí,… sẽ được chuyển sang chế độ tin nhắn SMS gửi tới hành khách.

Doanh nghiệp còn băn khoăn

Ông Phan Thái Bình, Tổng thư ký Hiệp hội taxi thành phố cho rằng, theo quy định mới thì năm sau các hãng taxi phải lắp đặt GPS, tiếp đến là thực hiện việc thu tiền theo đồng hồ tính tiền và in hóa đơn cho hành khách. Nếu như ứng dụng của LiveTaxi có thể triển khai cùng đợt và cùng kết nối thì mới có hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Sương, Giám đốc khối vận tải Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh chỉ ra rằng hạn chế của LiveTaxi là vẫn chưa khắc phục được vấn đề đường truyền trục trặc, các thông số về cự ly, giá tiền không thể hiện thì hành khách sẽ dựa vào đâu để thanh toán? Hơn nữa, LiveTaxi cũng chưa chưa tạo ra sự yên tâm cho hành khách khi cung cấp con đường có lợi nhất với lý trình ngắn nhất. Bởi nếu đường đi một chiều, đường cấm xe taxi thì buộc xe phải chạy vòng, sẽ phát sinh mâu thuẫn khi số tiền thực thanh toán cao hơn số tiền thể hiện trên máy đưa ra ban đầu cho hành khách.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng khúc mắc bởi cách tính kilomet trên ứng dụng theo định vị GPS của mạng sẽ không trùng khớp với số kilomet trên đồng hồ công-tơ-met của xe taxi. Đơn giản bởi kilomet theo hệ thống GPS chỉ tính theo khoảng cách bản đồ, còn đồng hồ của xe taxi tính theo hoạt động của thực tế.

“Đại chiến” trên Smartphone

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, quan điểm của ngành giao thông thành phố là ủng hộ LiveTaxi bởi đây là công cụ giúp quản trị cho doanh nghiệp, tương tác với hành khách. Nó khác với Uber là hoạt động theo luật pháp. Doanh nghiệp sử dụng LiveTaxi phải nộp thuế và chịu trách nhiệm pháp luật như quản lý taxi truyền thống.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng thừa nhận rằng, thực tế taxi truyền thống phải đổi mới nếu muốn tồn tại và phát triển. Ông Thanh cũng cảm ơn Uber, GrapTaxi, EasyTaxi đã có mặt để thúc đẩy các doanh nghiệp taxi, công ty công nghệ nâng mình lên. Trong thời buổi có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ thì việc quan trọng là phải thay đổi để tiếp cận người tiêu dùng một cách văn minh, tiện ích hơn.

Ông Thanh phân tích, việc Uber xuất hiện chậm nhưng lại có sức hút người tiêu dùng bởi họ khắc phục được những nhược điểm và tính năng ưu việt hơn những doanh nghiệp trước đó. Chẳng hạn việc thanh toán tiền qua thẻ. Chính vì thế, LiveTaxi phải làm sao phải có điểm mới thực sự tiện ích, hiệu quả để doanh nghiệp sử dụng kết nối, tiếp cận khách hàng.

Phó Giám đốc Sở GTVT yêu cầu nhóm nghiên cứu đề tài cần hoàn thiện thêm trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp. Sắp tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục tổ chức buổi gặp mặt để nghe báo cáo một lần nữa. Việc ứng dụng LiveTaxi là quyền lựa chọn của doanh nghiệp. Một sản phẩm tốt, ứng dụng thông mình thì tất nhiên doanh nghiệp sẽ lựa chọn.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm