1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM già hóa dân số

Q.Huy

(Dân trí) - Các chuyên gia cho biết, TPHCM đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Phần lớn người cao tuổi tại TPHCM đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế, an sinh xã hội.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa có báo cáo về hội thảo khoa học cấp quốc gia "Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TPHCM". Thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích về thực trạng già hóa dân số trên địa bàn và những thách thức mà thành phố phải đối mặt trong tương lai gần.

Trong đó, TPHCM chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017, với tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đạt khoảng 10,28%. Tốc độ già hóa dân số của thành phố cũng diễn ra rất nhanh với hơn 12% người cao tuổi có độ tuổi từ 60 trở lên, chỉ số già hóa đạt 65,36, cao hơn mức trung bình cả nước (58,27).

Hiện nay, TPHCM có số lượng người cao tuổi đứng thứ 2 cả nước. Quá trình già hóa chịu tác động bởi tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ trung bình cao. Những yếu tố trên đặt ra nhiều thách thức trong đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và duy trì lực lượng lao động.

TPHCM già hóa dân số - 1

Người già được chăm sóc tại một cơ sở dưỡng lão tại TPHCM (Ảnh: Bình Mỹ).

Thực trạng già hóa dân số sẽ dẫn đến sụt giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp và tăng gánh nặng kinh tế lên lực lượng lao động trẻ. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi kéo theo thay đổi về cơ cấu tiêu dùng, tăng chi phí lên dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách.

Bên cạnh đó, mặc dù tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM tương đối cao (76,24 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 65,4 tuổi. Điều này phản ánh chất lượng sống của người cao tuổi còn hạn chế do các vấn đề liên quan đến bệnh tật, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đồng bộ, nhân lực y tế có chuyên môn về lão khoa còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng đánh giá, phần lớn người cao tuổi tại TPHCM đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế, an sinh xã hội. Đa phần người cao tuổi không có tích lũy tài chính, thu nhập không ổn định, sống phụ thuộc vào con cháu, đặc biệt tại khu vực ngoại thành, nông thôn.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ xã hội chưa được phát triển đồng bộ để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi. Các công trình công cộng thân thiện như lối đi bộ an toàn, phương tiện giao thông phù hợp, khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt riêng cho người cao tuổi còn thiếu.

Thực trạng già hóa dân số cũng đặt ra vấn đề về sự hòa nhập và kết nối của người cao tuổi với cộng đồng. Nhiều người cao tuổi phải sống trong cô đơn, thiếu quan tâm từ gia đình, xã hội, dẫn đến nguy cơ cao gặp vấn đề về tâm lý, chất lượng cuộc sống giảm sút.

Bên cạnh đó, khoảng cách thế hệ gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, khiến người cao tuổi dễ gặp tình trạng khó hòa nhập với nhịp sống hiện đại.

Từ những vấn đề trên, các chuyên gia khuyến cáo, già hóa dân số không còn là vấn đề tương lai của TPHCM mà đã trở thành thách thức cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc và hành động chiến lược. TPHCM cần có chiến lược thích ứng với già hóa dân số mang tính toàn diện, tầm nhìn dài hạn, gắn kết chặt với các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Thành phố cần tập trung phát triển mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi. Ngoài ra, địa phương nên xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về sức khỏe người cao tuổi, hoạch định các chính sách phù hợp với thực tiễn.