TPHCM: Đề xuất thu phí chống ngập với chủ dự án nhà cao tầng
(Dân trí) - Đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của nhà cao tầng là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, ngập nước.
Tại phiên thảo luận hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX, đại biểu Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện kinh tế và Quản lý TPHCM đề xuất tạo "quỹ dự phòng" nhằm chống ngập nước, kẹt xe cho TPHCM.
Ông Thắng nhận định, việc xây nhà cao tầng đang là xu hướng phát triển đô thị khi "đất chật người đông". Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của nhà cao tầng là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, ngập nước. Và hiện TPHCM đang phải đầu tư nhiều công trình giải quyết tình trạng ngập do mưa và triều cường.
Đại biểu Thắng nhắc lại câu chuyện chống ngập, đặc biệt là khu chung cư cao tầng tập trung ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập rất nhiều, việc dùng bơm để bơm đưa nước ra sông chỉ là tạm thời (thuê 7 năm với giá 14,2 tỷ đồng mỗi năm - PV). Sau đó, TPHCM phải tốn gần 500 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa đường.
Theo ông Thắng, tất cả những khoản đầu tư đó đều là tiền của người dân. Do đó, ông đề nghị phải tính phí đơn vị làm dự án nhà cao tầng như một khoản phí dự phòng cho nhiệm vụ chống ngập nước, kẹt xe của thành phố.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, ông Trần Quang Thắng cho biết, đề xuất như trên xuất phát từ sự đồng lòng của xã hội vì mọi người đều thấy rõ các dự án nhà chung cư càng cao tầng thì càng có lợi cho nhà đầu tư.
"Khi thu phí nhà cao tầng, trước hết, nhà đầu tư sẽ "đẩy" phí đó cho người mua căn hộ bởi người kinh doanh không ai đầu tư mà chấp nhận bị lỗ vô lý", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, vấn đề đặt ra là khi những người muốn mua căn hộ ở những khu sang trọng thì phải chấp nhận chi phí đóng góp để giải quyết các vấn đề xã hội nói chung.
Việc thu phí không cào bằng, mà nên thu theo địa hình, đặc điểm, tính đẳng cấp của tòa nhà cao tầng đó.
"Tính đẳng cấp càng cao thì phí càng phải cao, điển hình như khu đô thị ở đường Nguyễn Hữu Cảnh", ông Thắng nói.
Trong thực tế phải có sự điều tiết mức thu phù hợp. Những khu chung cư mà người thu nhập thấp, nhà ở xã hội thì chỉ lấy phí tượng trưng, không thể lấy phí cao được vì ích lợi chung của xã hội.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, việc xây nhà cao tầng rõ ràng đã tạo độ nén trên đất rất cao, đồng thời làm cho vùng thoát nước ở đất đai vùng trũng không còn đủ diện tích cần thiết để giúp thấm nước cơ học dễ dàng.
"Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ngập, nên người sử dụng hạ tầng phải có nghĩa vụ đóng góp trực tiếp để chống ngập", ông Thắng nói.
Theo ông, để thực hiện việc này phải nhận được sự đồng thuận của xã hội, thiện chí của nhà đầu tư, nhận thức của người dân để tạo sự hài hòa lợi ích giữa các bên.
Đại biểu Thắng cũng cho rằng, nếu thu phí nhà cao tầng thì khả năng chống ngập nước chắc chắn sẽ tốt hơn.
Liên quan đến đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, việc thực hiện quy hoạch đều phải làm theo quy định, phải có hệ số mật độ xây dựng, hạ tầng phải tương thích với quy mô dân số, khu nào cũng đầy đủ, không thể nào làm sai được.
"Đây là vấn đề Nhà nước phải lo. Tuy nhiên, trong điều kiện Nhà nước chưa làm được, doanh nghiệp cùng tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông cho thành phố sẽ rất tốt", ông Hoan nói.
Quốc Anh