1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát

(Dân trí) - “Nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2008 của TPHCM phải đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu”.

Đó là quyết nghị về kinh tế mà các đại biểu đã thông qua với sự nhất trí cao trong kỳ họp thứ 13, khóa VII, HĐND TPHCM vừa bế mạc.

 

Trước tình hình kinh tế xã hội có quá nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm như vật giá leo thang, sốt ảo giá gạo, xăng dầu tăng… chóng mặt, UBND TPHCM nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt, phấn đấu cao nhất để đạt kế hoạch tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 12,7% đến 13%.

 

TPHCM góp phần lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước và cũng góp phần vào tăng lạm phát của cả nước. Đại biểu Phạm Minh Trí góp ý: “Không nên quá chú trọng giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế mà cần tập trung chống lạm phát vì sắp tới giá cả của một số nguyên liệu chủ yếu còn tăng cao”.

 

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng đồng tình: “Chúng ta chưa đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu kinh tế xã hội đã được xác định mà phấn đấu cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững…”.

 

Để làm tốt công tác kiềm chế lạm phát, UBND TP thống nhất chủ trương đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát và giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.

 

UBND TP sẽ trực tiếp chỉ đạo các biện pháp để kiềm chế và bình ổn giá cả thị trường, dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm… Đồng thời, rút kinh nghiệm tình hình biến động giá cả trong 6 tháng qua, đặc biệt là sốt giá gạo, vật liệu xây dựng, UBND TP yêu cầu các Sở ngành liên quan tổ chức lại hệ thống buôn bán, bán lẻ của doanh nghiệp nhà nước… chủ động đối phó, can thiệp kịp thời khi có biến động.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2008, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố ước tăng 10,5%. Tốc độ tăng trưởng này chậm hơn 6 tháng cùng kỳ năm 2007 (11,2%). 

 

Tuy nhiên, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) của Thành phố đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua (7,138 tỷ USD) tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. 

 

Công Quang