Kỳ họp thứ 13, khóa VII - HĐND TPHCM:

Nghị trường “nóng bỏng” toàn chuyện… cũ

(Dân trí) - Ngày thứ hai của kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra với phần trả lời chất vấn của 4 giám đốc Sở, ngành: Sở GTVT, Sở Tài Nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH. Phiên chất vấn “nóng bỏng” dù chỉ bàn về những vấn đề cũ.

Mở đầu ngày làm việc, ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM trình bày tình hình giao thông trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2008. Có 27 câu hỏi chất vấn dành cho vị giám đốc Sở này. Nội dung các câu hỏi xoay quanh các vấn đề về công trình rào chắn, thi công gây ô nhiễm môi trường; dự án hỗ trợ xe buýt; chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế; vấn đề cung cấp nước sạch…

 

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn toàn thành phố có 45 km đường bị “bới” lên để xây dựng hệ thống cấp thoát nước. Số lượng rào chắn không giảm liên tục gây ra tình trạng ách tắc giao thông. Đặc biệt, tại dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị nghè có 137 rào chắn, chiếm 70% số rào chắn trong toàn thành phố.

 

Có 529 vụ vi phạm không rào chắn, không đảm bảo an toàn, không hoàn trả mặt đường sau khi công trình hoàn thành… Tình trạng giao thông còn quá phức tạp, có 22 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải thì tiến độ thi công của các gói thầu đã được kiểm soát chặt chẽ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Ở lĩnh vực này, cũng giống như các kỳ họp trước, số lượng đại biểu chất vấn rất nhiều và rất thẳng thắn. Đại biểu Nguyễn Văn Hiên (quận 1) phản ảnh tình trạng xả rác, phóng uế bừa bãi tại một số bãi đậu xe buýt, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

 

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa (quận Bình Thạnh) cho rằng việc giám sát cộng đồng chưa phát huy hiệu quả. Sở Giao thông vận tải chưa làm cầu nối để chủ đầu tư với mặt trận các phường, quận thành lập các tổ giám sát cộng đồng để đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ và chất lượng công trình…

 

Đại biểu Nguyễn Văn Bạch (quận Tân Bình) chất vấn: “Hiệu quả 1 số tuyến xe buýt chưa cao. Chúng ta có thể giảm bớt tuyến hay không? Hay phải làm thế nào để chống lãng phí? Trên địa bàn thành phố có 154 tuyến xe buýt nhưng có 1/3 tuyến có hiệu quả. Một số tuyến có 30% người đi lại. Trong khi cả nước đang thực hành tiết kiệm thì chúng ta đã đầu tư quá mức cho xe buýt đến 600 tỷ/năm để cứu vãn một công việc mà hiệu quả giảm sút thì nên xem xét lại”.

 

Các đại biểu cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt quyết liệt những đơn vị vi phạm. Đồng thời, bắt buộc các chủ đầu tư phải công khai về tiến độ thực hiện, số đường dây nóng, thực hiện rào chắn an toàn…

 

Về “câu chuyện xe 3, 4 bánh tự chế”, hội đồng cũng thống nhất chủ trương xin lùi lại thời gian “khai tử” đến hết ngày 31/12/2008. Trong thời gian còn lại, thành phố chủ trương phối hợp với các ban ngành thực hiện việc dạy nghề, chuyển đổi công ăn việc làm cho những người dân mà lâu nay vẫn mưu sinh bằng loại xe 3, 4 bánh.

 

Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP - nhấn mạnh: “Tình trạng giao thông vẫn còn phức tạp. Có một số dự án kéo dài đến 8 kỳ họp vẫn chưa giải quyết dứt điểm như dự án cầu Gò Dưa (Thủ Đức), cầu Hoàng Hoa Thám… Vấn đề chuyển đổi xe 3, 4 bánh phải có lộ trình, không để người dân bơ vơ, thất nghiệp khi cấm lưu thông loại xe này”.

 

Phiên trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường không làm hài lòng các đại biểu vì bị đánh giá là hời hợt.

 

Về việc hơn 3.000 hộ dân sống ven kênh Ba Bò (Cống thúi) ở Thủ Đức ngày đêm than ngắn thở dài trước tình trạng ô nhiễm của nguồn nước, đại biểu Nguyễn Minh Hương (quận Thủ Đức) bức xúc: “Chúng tôi nhiều lần đưa nội dung này ra chất vấn. 4 năm trôi qua, chúng tôi nhận 4 câu trả lời, hứa hẹn khác nhau theo kiểu “đi đâu loanh quanh quay về chốn cũ”. Xin hỏi ông Kiệt, Giám đốc Sở, ông hãy nói thật, người dân còn chịu cảnh này trong bao lâu nữa?”.

 

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết vấn đề cây xanh có hiện tượng bạc màu ở KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đã được khắc phục. Ngay lập tức, ông Đặng Văn Khoa (quận Bình Thạnh) phản ứng bằng những minh chứng cụ thể: “Mới chiều hôm qua tôi còn đi thực tế vùng này. Hiện tượng cây lá mất màu còn rất phổ biến”. Để thêm phần thuyết phục, ông Khoa còn mang cả chùm lá cây bạc màu mà chính tay ông cắt đem gửi cho vị Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.

 

Cử tri cũng phản ánh tình trạng xây nhà không có giấy phép và sai phép với Giám đốc Sở Xây dựng. Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 9 sự cố về công trình, 2.557 trường hợp xây nhà trái phép… Với thái độ cầu thị, ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

 

Trong ngày làm việc thứ 2 này, các đại biểu phát biểu sôi nổi, chất vấn thẳng thắn trên tinh thần dân chủ, xuất phát từ lợi ích của người dân. Tuy nhiên, những vấn đề “hâm nóng nghị trường” này đều là những câu chuyện có từ các kỳ họp trước, vẫn xoay quanh kẹt xe, ngập nước, công trình trái phép, sông ngòi ô nhiễm…

 

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa (quận Bình Thạnh) nhận xét: “Cuộc họp chưa đi vào những vấn đề xã hội “nóng” hiện nay. Chúng ta chưa bàn các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện chủ trương “Năm 2008 - Năm văn minh đô thị”. Vấn đề lạm phát, tăng giá… đang thật sự tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội nhưng dường như đại biểu không tha thiết mấy”.

 

Công Quang