1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM: Dành 10ha trong khu Đại học Quốc gia để tái định cư

Quốc Anh

(Dân trí) - Đại học Quốc gia TPHCM đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức để chuyển một khu đất rộng 10ha thành khu tái định cư cho người dân trong khu vực dự án ĐHQG TPHCM.

Đầu tư 300 tỷ đồng nâng cấp lớp học

Tại chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố do HĐND TPHCM phối hợp cùng Đài tiếng nói Nhân dân TP (VOH) tổ chức ngày 27/2 với chủ đề "Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2021", nhiều thông tin về phát triển TP Thủ Đức được chia sẻ.

TPHCM: Dành 10ha trong khu Đại học Quốc gia để tái định cư - 1

Khu Đại học Quốc gia TPHCM được điều chỉnh quy hoạch trên diện tích hơn 643ha thuộc TP Thủ Đức và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (ảnh: Phạm Nguyễn)

Bà Lương Thu Anh, Trưởng Phòng Quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thông tin về một số thay đổi về quy hoạch của khu ĐHQG TPHCM - trụ cột trong trọng điểm đổi mới sáng tạo của TP Thủ Đức.

Theo bà, mục tiêu lớn tại đây là xây dựng khu công nghệ giáo dục bậc cao, cung cấp nhân lực cho TPHCM. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có 2 dự án mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ nhất là dự án cải tạo cơ sở vật chất phòng học, một số phòng dạy học trực tuyến, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

TPHCM: Dành 10ha trong khu Đại học Quốc gia để tái định cư - 2

Dự án cải tạo cơ sở vật chất phòng học, với một số phòng dạy học trực tuyến có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng (ảnh: Phạm Nguyễn)

Thứ hai là dự án xây dựng mới trung tâm nghiên cứu tiên tiến, tập trung vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, y sinh, dữ liệu lớn, công nghệ vật liệu, khối ngành nghề xã hội… Dự án được thực hiện theo mô hình nghiên cứu hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường (diện tích khoảng 40.000m2 sàn), dự kiến sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới.

Ngoài ra, hiện nay ĐHQG TP đang thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 ở phường Linh Xuân để chuyển một khu đất rộng 10ha thành khu tái định cư.

"Việc xây dựng phục vụ cho tái định cư người dân trong khu vực dự án ĐHQG. Đến 2025 sẽ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án lớn của ĐHQG TPHCM", bà Anh thông tin.

TPHCM: Dành 10ha trong khu Đại học Quốc gia để tái định cư - 3

ĐHQG TPHCM dành 10ha để phục vụ tái định cư cho người dân trong khu vực dự án ĐHQG TPHCM

Khai thác quỹ đất dọc metro số 1

Cũng theo bà Anh, định hướng và mục tiêu phát triển TP Thủ Đức sẽ dựa trên các trụ cột về đổi mới sáng tạo sẵn có như: Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Khu đại học Quốc Gia. Các khu vực này đã có mặt bằng trống, đã được đầu tư hạ tầng thời gian qua, sẵn sàng cho đầu tư quy mô lớn.

Ngoài ra, TP Thủ Đức đang có 5 khu công nghiệp và chế xuất gồm Khu chế xuất Linh Trung I, Khu chế xuất Linh Trung II, Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu công nghiệp Cát Lái.

Đây là quỹ đất quan trọng để thu hút sản xuất công nghệ cao và tạo ra các trung tâm việc làm quan trọng của thành phố trong tương lai, đồng thời là quỹ đất dự trữ cho phát triển đô thị trong tương lai xa hơn, với mục tiêu quan trọng hơn.

TPHCM: Dành 10ha trong khu Đại học Quốc gia để tái định cư - 4

Tuyến metro số 1 là dự án giao thông quan trọng đối với sự phát triển của TP Thủ Đức

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục khai thác giá trị đất xung quanh nhà ga metro, bán kính từ 800-1.000m; các khu đất dọc vành đai 2 đang xây dựng để tăng hiệu quả sử dụng đất. Đây cũng là nguồn lực thu lại khoản tài chính để đầu tư mới. Ngoài ra, nhà nước sẽ đấu giá đất công trong khu vực để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực một cách công bằng.

"Nguồn lực tài chính còn hạn chế nhưng với các giải pháp trên, Thủ Đức sẽ nhanh chóng có hình ảnh đô thị hiện đại và tiếp tục thu hút đầu tư mới. Thành phố sẽ cải thiện không gian công cộng để tạo điểm thư giãn cho người dân", bà Anh thông tin.

Đai diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng thông tin, giao thông công cộng đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân TP Thủ Đức năm 2030 và tương lai xa là 50-60%.

"Chúng tôi có sự tự tin là nhờ vào tuyến metro số 1. Từ tuyến metro, thành phố sẽ xây dựng mạng lưới xe buýt xương cá nối nhà ga metro lan tỏa đi các địa điểm trên địa bàn thành phố", bà Anh nói.

Thành phố Thủ Đức sẽ được nâng cao khả năng chống chịu triều cường và mưa lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu và sụt lún đất. Đến năm 2040, hệ thống hạ tầng đảm bảo chống ngập cho khu vực tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập lớn 1 lần).

Ngoài ra, quy hoạch khu vực không gian mở chiếm 10% diện tích (2.100ha), trong trong đó 30% dành cho hồ điều hòa làm không gian trữ nước, giảm rủi ro ngập.

Đáng chú ý, 20% tổng diện tích quy hoạch là mặt phủ tự nhiên cho phép thấm thấu nước mưa xuống lòng đất. Điều này giúp chống lún nền đất vì TP Thủ Đức có nhiều kênh rạch, ngập nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm