1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Dân nuôi gia cầm lao đao vì lệnh cấm

Ở các địa phương khác, việc chăn nuôi giết mổ gia cầm đã diễn ra bình thường, nhưng ở TPHCM, việc này vẫn bị cấm. Lệnh cấm "quá kỹ" này khiến không ít hộ chăn nuôi gia cầm qui mô lớn ở ngoại thành TP lao đao.

Thiệt đơn, thiệt kép

Cuối năm 2005, bà Nguyễn Thị Hoa, một chủ chăn nuôi gà công nghiệp tại Củ Chi, phải nghiến răng hủy hoặc bán đổ bán tháo đàn gà 52.000 con đang phát triển tốt, để “chạy dịch” theo lệnh của chính quyền thành phố.

“Thiệt hại dữ lắm!”- Bà Hoa nói. Theo bà Hoa, kể cả khoản bán gà (đến tuổi xuất chuồng) cho Nhà nước thu mua lẫn tiền Nhà nước hỗ trợ tiêu hủy (gà chưa đến tuổi xuất chuồng), số tiền thu lại được 545 triệu đồng. Trong khi, nếu vẫn nuôi và bán như bình thường, bà Hoa sẽ thu được gấp đôi.

“Nếu tính theo giá vốn, tôi mất một nửa tiền. Còn nếu tính theo giá lời, tôi mất hơn 1 tỷ đồng”- Bà Hoa khẳng định. Tuy nhiên, nếu tính mức giá trong thời điểm Tết, theo bà Hoa, mức độ thiệt hại của bà còn cao hơn rất nhiều.  

Cho đến nay thành phố vẫn chưa gỡ bỏ lệnh cấm nuôi gia cầm, trong khi tại các địa phương khác việc chăn nuôi và giết mổ vẫn diễn ra bình thường. Điều đó khiến những hộ chăn nuôi gia cầm như bà Hoa còn thiệt thêm một khoản vô hình khác là mất cơ hội làm ăn. Đồng thời còn phải gánh thêm những chí phí khác.

“Mặc dù không nuôi, không có thu nhập nhưng chúng tôi vẫn phải giữ công nhân và trả lương để họ trông coi những dãy chuồng trại đang từ từ mục nát”- Bà Hoa nói.

Chị Nguyễn Thị Lạc, một chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn nhất thành phố thì đứng ngồi không yên với khoản nợ ngân hàng mỗi ngày một lớn. Tổng số vốn vay để đầu tư chuồng trại của chị là 2,5 tỷ đồng.

Hơn 4 năm qua, chị đã trả được khoảng 1 tỷ, số nợ còn lại chưa biết xoay thế nào, trong khi lãi mẹ đẻ lãi con. “Kéo dài lệnh cấm thêm ít thời gian nữa, chắc tui phải bán đất để trả nợ ngân hàng”- Chị Lạc lo lắng nói.  

Xin lại… “nồi cơm”

“Khi tình hình dịch căng thẳng, chính quyền thành phố yêu cầu ngưng nuôi gia cầm, chúng tôi chấp hành ngay. Nhưng tạm ngưng thì được, còn bảo “cấm tiệt” không nuôi nữa thì chúng tôi làm sao đây khi gà là nguồn sống của cả gia đình tôi từ nhiều năm qua?”- Bà Hoa bức xúc. Đó cũng là nguyện vọng chung của rất nhiều hộ chăn nuôi gia cầm chuyên nghiệp với quy mô lớn.

Ông Ba Tâm, 67 tuổi, là một chủ chăn nuôi gà quy mô 13.000 con tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn cười méo xệch: “Tôi có 11 người con, 3 đứa có gia đình riêng, hai đi làm công nhân. Sáu đứa còn lại ở nhà tập trung vào chăn nuôi và gà là nguồn sống duy nhất của cả nhà. Khi thành phố cấm nuôi gà, cả nhà tôi đâm ra… thất nghiệp, chẳng biết làm gì”.

Cũng vẫn nụ cười méo xệch, ông Ba Tâm phân trần: “Tôi nuôi gà đã mười mấy năm nay và đã trở thành nghiệp rồi nên đâu nói một cái là có thể nghỉ hay chuyển đổi cái rụp được?”.

Ông Ba Tâm cũng còn cho biết, từ khi có lệnh cấm nuôi gia cầm, thành phố có chủ trương hỗ trợ cho các trang trại quy mô 10.000 con trở lên với mức hỗ trợ 9 triệu đồng/trang trại, để chi phí trong thời gian ngưng nuôi. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ đâu.

Để đảm bảo cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài, nhiều người chăn nuôi gia cầm cùng kiến nghị chính quyền thành phố sớm xem xét giải quyết dứt điểm theo một trong 3 hướng sau:

Hoặc, cho nuôi lại nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ từ tất cả các khâu. Hoặc, cho các hộ nuôi thêm hai năm nữa đề thu hồi vốn và giải quyết nợ, nếu thành phố thấy không thể chăn nuôi gia cầm lâu dài trên địa bàn. Hoặc thành phố hỗ trợ tiền mà người dân đã đầu tư vào chuồng trại để chuyển hẳn sang nghề khác, nếu thành phố quyết định ngưng nuôi hẳn ngay từ bây giờ.

Mục tiêu cuối cùng của các hộ dân là sớm được khôi phục lại… “nồi cơm” vốn đã bị “treo” từ nhiều tháng qua. 

Theo Đại Dương
Tiền Phong