TPHCM: Công chức, viên chức không giàu như doanh nhân nhưng cần đủ sống
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, các chính sách mới cần để công chức, viên chức thành phố đủ sống và yên tâm công tác. Vấn đề này được TPHCM nghiên cứu trong một đề án đang xây dựng.
Sáng 31/8, buổi tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98" đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó, vấn đề về công tác cán bộ là một trong số các nội dung được các đại biểu, khách mời nhắc tới nhiều nhất.
Phát biểu kết thúc sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu lại quan điểm của các chuyên gia, sự vào cuộc và hành động của hệ thống chính trị thành phố là yếu tố quyết định thành công trong triển khai Nghị quyết 98. Trong đó, tư tưởng chính trị và chuyên môn, hành động cần thể hiện quyết tâm và chuyên nghiệp.
"Để làm được vậy, thành phố phải giải quyết đồng bộ từ cơ chế, thể chế về mặt chủ trương chính trị, về mặt pháp lý và kể cả kiểm điểm. Tức là có xác định nhiệm vụ, phân công, giao nhiệm vụ, đôn đốc, khen thưởng, xử lý", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Nhiều vấn đề về hành chính cần cải thiện
Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin thêm, TPHCM đang khẩn trương xây dựng đề án nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Đề án có ít nhất 5 nội dung quan trọng từ khâu tuyển chọn, đào tạo, chế độ chính sách, quy trình làm việc.
Trong công tác tuyển chọn, thành phố cần tạo ra những điểm riêng để thu hút người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tâm huyết mong muốn cống hiến, xây dựng, phát triển TPHCM. Sau bước này, công tác đào tạo cũng được nghiên cứu để phù hợp với đội ngũ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu công việc, sẵn sàng thay đổi, thích ứng với công việc và hoạt động chuyên nghiệp.
"Một trong những nội dung chính là đào tạo theo chức danh từ công chức xã, phường cho đến lãnh đạo thành phố. Hàng năm, từng người sẽ được cập nhật kỹ năng, chuyên môn, trang bị đầy đủ tâm thế phù hợp với chức trách, nhiệm vụ", ông Phan Văn Mãi phân tích.
Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ thêm, hiện nay, Sở Nội vụ thành phố đã có một số chính sách áp dụng với các đối tượng đặc thù. Tuy nhiên, các chính sách mới cần để công chức, viên chức thành phố đủ sống và yên tâm công tác, phục vụ.
"Làm công chức, viên chức thành phố thì không thể giàu như doanh nhân nhưng phải đủ sống và an tâm để công tác", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Cuối cùng, lãnh đạo TPHCM cho biết, địa phương sẽ thực hiện đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính. Qua chuyến khảo sát một số phường vừa qua, TPHCM đã nhìn thấy nhiều vấn đề cần cải thiện.
"Chúng ta thấy giấy tờ rất nhiều, họp hội nhiều, chồng lấn nhiều, bỏ sót nhiều, cuối cùng người dân tại cơ sở không được phục vụ tốt, gây áp lực lớn lên hệ thống", ông Mãi nêu thực trạng.
Đưa TPHCM quay lại quỹ đạo phát triển của đầu tàu
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận, mục tiêu của việc thực hiện Nghị quyết 98 là đưa thành phố trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách đầu tàu. Điều này sẽ tạo những nền tảng quan trọng để sau năm 2025, TPHCM sẽ bứt tốc và tăng trưởng ở 2 con số mỗi năm.
Trong đó, với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), địa phương đã rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1, số 2, đường vành đai 2, 3, 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài và thấy gần 10.000ha đất có thể khai thác. Phần đất này có thể chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư công trình, dự án khác.
Không chỉ là khai thác quỹ đất, TOD cũng là cơ sở để TPHCM phát triển theo mô hình đa trung tâm. Đây là điều TPHCM từng đề cập tới thời gian trước đây nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện.
"Hiện tại, chúng ta có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng như một đô thị vệ tinh. Nhưng từ đó vào trung tâm thành phố mất 45 phút, đến sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 1 giờ nên các đô thị như vậy không phát huy được tác dụng. Nếu có nguồn lực, đầu tư hạ tầng kết nối tốt hơn thì việc phát triển theo mô hình đa trung tâm sẽ phát huy hiệu quả hơn", Chủ tịch TPHCM lấy ví dụ.
Đề cập tới hệ thống metro của TPHCM, lãnh đạo thành phố cho biết, đến nay, hơn 20km của tuyến metro số 1 đã hoàn thành. Với 200km metro còn lại, địa phương sẽ cố gắng hoàn thành vào năm 2035 và mở rộng gấp đôi trong giai đoạn 2035-2045.
"Với định hướng này, thành phố cần nguồn lực rất lớn và mô hình tổ chức riêng. Chúng ta không thể đi vay tiền, thuê tư vấn làm metro rồi tiếp tục thuê tư vấn vận hành mà phải phát triển ngành công nghiệp đường sắt đô thị. Từ đó, thành phố có đủ năng lực làm tiếp các tuyến metro cho các địa phương khác, thậm chí tham gia đấu thầu quốc tế", ông Phan Văn Mãi đặt kỳ vọng.
Buổi tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98" do báo Sài Gòn giải phóng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức.
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành, địa phương tại TPHCM.