1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM cố gắng khởi động lại dự án “nửa tỷ đô đắp chiếu 12 năm”

(Dân trí) - Chánh văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ cố gắng khởi công dự án Công viên Sài Gòn Safari vào đầu năm 2017 chứ không thể kéo dài lâu hơn nữa. Hiện tại đã bàn giao mặt bằng 97%, chỉ còn 30 hộ đang khiếu nại.

Ông Võ Văn Hoan cho biết thông tin trên tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 của thành phố diễn ra trưa 30/5.

Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, việc khiếu nại của người dân kéo dài là do chính quyền xử lý không đúng trong việc bồi thường. Một xã thì căn cứ vào sổ hồng, sổ đỏ, còn xã bên cạnh thì lại căn cứ vào hiện trạng đất đai để áp giá bồi thường nên dẫn đến mức bồi thường khác nhau. Còn 30 hộ dân đang so bì nên khiếu nại yêu cầu xem xét lại.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Ông Hoan cho biết thêm, vừa rồi thành phố chỉ đạo thanh tra chính sách bồi thường cho người dân. “Chính sách bồi thường thì không có gì thay đổi. Nếu kết quả thanh tra có trường hợp nhà nước bồi thường còn thấp, ảnh hưởng quyền lợi người dân thì sẽ xem xét, bồi thường thêm. Đối với trường hợp được bồi thường cao thì thành phố cũng không lấy lại tiền”, ông Hoan nhấn mạnh.

Thành phố có chỉ đạo nhà đầu tư phải có trách nhiệm với địa phương như tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, ưu tiên cho bà con buôn bán trong khu vực này… Ông Hoan cũng thông tin thêm, nếu dự án được phê duyệt sớm thì sẽ khởi công sớm. Thành phố sẽ cố gắng khởi công vào đầu năm 2017 chứ không thể kéo dài lâu hơn nữa.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư được cấp giấy phép để thực hiện từ năm 2004. Sài Gòn Safari nằm trên 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, với diện tích hơn 485 ha. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này là 500 triệu USD.

Công viên Sài Gòn Safari được kỳ vọng sẽ trở thành công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 12 năm được cấp phép, dự án này vẫn “án binh bất động” và gây ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây.

Triển khai 12 năm nhưng khu vực này chỉ là đồng hoang
Triển khai 12 năm nhưng khu vực này chỉ là đồng hoang

Nguyên nhân khiến dự án chậm trễ là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng khó khăn, tình trạng tái lấn chiếm, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Bên cạnh đó, với số vốn “khổng lồ” nên dự án cũng khó tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính.

Quốc Anh

TPHCM cố gắng khởi động lại dự án “nửa tỷ đô đắp chiếu 12 năm” - 3