1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: CII sửa sai kiểu... trời ơi

(Dân trí) - Sau phương án “hành dân” bị bác bỏ, dưới áp lực của dư luận và UBND TP, ngày 11/11 CII đã chính thức sử dụng phương án lập trạm phụ để hoàn phí thu sai nhưng cách thức làm thì rất... trời ơi.

TPHCM: CII sửa sai kiểu... trời ơi - 1
Xe xếp hàng dài chờ hoàn phí.

Theo công văn giải thích của UBND TPHCM gửi Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM thì Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) sẽ lập một trạm phụ trên tuyến liên tỉnh lộ 25B (LTL 25B) để cấp biên nhận miễn mua vé đối với xe đi từ LTL 25B ra Xa lộ Hà Nội (XLHN). Còn xe từ phía Ngã tư Thủ Đức vào LTL 25B đi qua trạm XLHN vẫn mua vé, khi đến trạm phụ này sẽ được hoàn tiền.

Nghe qua thì phương án này cũng khả thi và đỡ phiền phức hơn phương án “hành dân” trước đó. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế từ ngày 11/11 thì bắt đầu xảy ra nhiều bất cập.

Bất cập đầu tiên là vị trí đặt trạm phụ, CII chọn đặt trên đường Nguyễn Thị Định, ngay trước cổng cảng Cát Lái, cách XLHN đến gần 10km, cách xa trạm thu phí XLHN hơn 10km.

Như vậy, thực tế là chỉ có xe của các doanh nghiệp vận tải hàng từ cảng Cát Lái mới được áp dụng phương án hoàn phí này. Điều đó có nghĩa là, ai khiếu nại thì được trả tiền, còn người dân khác không khiếu nại thì chịu thiệt.

Theo lý giải của đại diện CII thì CII chọn vị trí này do điều kiện LTL 25B chật hẹp, hay xảy ra kẹt xe; đoạn giao giữa XLHN và LTL 25B lại đang thi công nên CII dời trạm phụ vào đường Nguyễn Thị Định.

Cũng có lý, nhưng vị trí CII chọn lại là cuối đường Nguyễn Thị Định, cách vị trí lẽ ra nên đặt trạm phụ đến gần 10km. Như vậy, những tuyến đường nối, những trạm, nhà dân... suốt đoạn đường 10km này vẫn phải đóng phí.

Ngoài ra, thực tế qua 2 ngày thực hiện phương án hoàn phí thì vị trí này vẫn xảy ra kẹt xe kéo dài. Bởi đường Nguyễn Thị Định chỉ có 1 làn dành cho xe tải, mà lượng xe ra vào cảng rất lớn, cứ mỗi xe dừng lại 1 phút nhận tiền hoàn phí hay phiếu miễn mua vé thì ùn tắc xảy ra ngay.

Thêm nữa, tại vị trí thu phí thì CII đặt đến hàng chục cabin, còn vị trí hoàn phí này chỉ có... 1.

Nhiều chủ hàng than thở: “LTL 25B vốn đã hay kẹt xe, nay CII hoàn phí kiểu này lại tạo thêm một điểm kẹt. Nếu lỡ vì kẹt xe mà trễ giờ giao hàng phải đóng tiền phạt hợp đồng thì càng thảm hơn là chịu phí”.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký HH VTHH TPHCM bức xúc: “Hậu quả thiệt hại của tình trạng kẹt xe do phương án triển khai bất hợp lý của CII đưa ra nếu dẫn đến chậm trễ trong việc giao nhận hàng hóa còn nguy hiểm và lớn hơn rất nhiều so với số tiền phí đã nộp mà CII phải hoàn trả”.

Bất cập thứ 2 là CII quy định trong vòng 60 phút kể từ khi mua vé qua trạm XLHN thì phải đến trạm phụ hoàn tiền ngay; và các xe lấy phiếu miễn mua vé tại trạm phụ xong, trong vòng 60 phút phải đi qua trạm XLHN ngay mới được miễn mua vé.

Quy định này được đặt ra không biết có phải vì mục đích tiện cho công tác quản lý của CII hay không, nhưng thực tế là nó khiến hơn 50% xe không thể lấy tiền hoàn phí được.

Bởi hầu hết các xe đều sợ kẹt xe tại vị trí Ngã ba Cát Lái (giao giữa XLHN và Nguyễn Thị Định) nên đều cho xe qua trạm XLHN từ sớm rồi nằm tại các bãi container dọc LTL 25B chờ đến giờ vào cảng nhận hàng.

Do đó, không thể đáp ứng yêu cầu phải qua trạm phụ trong vòng 60 phút được nên hầu hết đều đành bỏ khoản hoàn phí này. Điều đơn giản này bác tài nào cũng biết nên ai cũng cho là CII chọn vị trí đặt trạm phụ rất... hay, không kém gì vị trị đặt trạm thu phí.

Về việc này, HH VTHH TPHCM đã có văn bản phản ứng. Theo đó, HH cho rằng: “Quy định này là làm khó các doanh nghiệp vận tải. Về nguyên tắc, phương tiện nào không sử dụng đường Điện Biên Phủ nhưng bị thu phí tại Trạm XLHN thì CII bắt buộc phải hoàn trả phí cho các phương tiện đó bất cứ thời điểm nào, không được giới hạn về thời gian”.

Vì những bất cập trên, HH VTHH TPHCM “đề nghị Sở GTVT chỉ đạo CII phải có phương án phù hợp hơn để khắc phục ngay các vấn đề tồn tại như trên, nếu không CII phải dừng ngay việc thu phí trạm XLHN đến khi nào triển khai được phương án triệt để nhất”.

Tùng Nguyên