TPHCM chưa thể triển khai dự án trăm triệu USD vì vướng khiếu nại
(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dù Ngân hàng Thế giới yêu cầu triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè song song với giải quyết khiếu nại nhưng thành phố vẫn chưa thể thực hiện. "Thành phố đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên phải chờ", ông Hoan nói.
Ngày 13/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin đến báo chí về tình hình giải quyết khiếu nại của nhà thầu liên quan đến kết quả đấu thầu gói thầu “Thiết kế - xây dựng - vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè” (gói thầu XL-02).
Ông Hoan cho biết, quá trình khiếu nại của nhà thầu được Ngân hàng Thế giới (cơ quan tài trợ vốn cho thành phố triển khai dự án) giám sát chặt chẽ và trả lời rất rõ ràng. Ngân hàng Thế giới cho rằng đề xuất của doanh nghiệp khiếu kiện là không có cơ sở.
"Những nội dung thắc mắc của doanh nghiệp đã được Ngân hàng Thế giới trả lời rõ ràng và họ chấp thuận các kết luận của cơ quan tư vấn đấu thầu của thành phố. Ngân hàng Thế giới cho rằng đề xuất của doanh nghiệp là không căn cứ và bản thân họ đã có những vi phạm trong quá trình đấu thầu", ông Hoan thông tin.
Theo ông Hoan, dù đã có kết quả đấu thầu và ký hợp đồng nhưng thành phố vẫn chưa thể thực hiện được vì phải giải quyết khiếu nại. Hiện đang chờ ý kiến từ Trung ương.
"Trong quá trình thành phố hỏi ý kiến các cơ quan thì Ngân hàng Thế giới vẫn gửi thư yêu cầu triển khai ngay còn giải quyết khiếu nại là việc khác. Ngân hàng Thế giới cũng cam kết những nội dung đó đã làm việc với doanh nghiệp ở ngay trụ sở Ngân hàng Thế giới ở Mỹ", ông Hoan nói.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, thành phố đã gửi văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của nhà thầu. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan báo cáo nên thành phố vẫn phải chờ đợi ý kiến.
"Ngân hàng Thế giới cũng nói là làm nhanh không mất vài trăm triệu USD. Thành phố rất sốt ruột vì chậm quá mất tài trợ, mất dự án nhưng cũng phải chờ vì đã gửi đơn xin ý kiến Thủ tướng", ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết hiện đã ký hợp đồng nhưng chưa giải ngân nên chưa gây thiệt hại. Nhưng nếu chậm trễ tới thời điểm nhất định nào đó thì mất dự án. "Mình chắc chắn không để gây thiệt hại", ông Hoan nói.
Dự án Vệ sinh môi trường TP - giai đoạn 2 bao gồm 2 hạng mục chính. Trong đó, hạng mục thi công tuyến cống bao với chiều dài khoảng 8km nhằm chuyển nước thải từ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 tới nhà máy xử lý nước thải. Gói thầu có giá trị khoảng 85 triệu USD, được khởi công từ tháng 2/2017, thời gian thi công là 36 tháng.
Hạng mục thứ 2 là xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên diện tích hơn 38ha (tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) với công suất 480.000 m3/ngày.
Trong khi hạng mục đầu tiên đang được khẩn trương thi công đảm bảo tiến độ đưa vào khai thác, thì hạng mục quan trọng là nhà máy xử lý chất thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại lùm xùm liên quan đến việc đấu thầu và kết quả trúng thầu.
Đầu năm 2015, Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (IMA) thông báo mời sơ tuyển gói thầu XL-02 nhưng phải đến đầu tháng 8/2017 mới chính thức mở thầu.
Được biết, tổng ngân sách cho việc xây dựng nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè tương đương khoảng 261 triệu USD. Có 3 nhà thầu bỏ thầu thấp hơn giá chào thầu là liên danh Samsung - Kolon - TSK; liên danh ACCIONA – VINCI và liên danh SUEZ – POSCO, với giá dự thầu lần lượt của các nhà thầu là gần 187 triệu USD; gần 206 triệu USD và hơn 215 triệu USD.
Trên cơ sở giá dự thầu, liên danh Samsung - Kolon - TSK được chấm trúng thầu. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, IMA cho biết kết quả trúng thầu không được công nhận do đơn vị trúng thầu vi phạm Luật Đấu thầu.
Theo đó liên danh ACCIONA - VINCI tiếp tục là đơn vị trúng thầu.
Tuy nhiên liên danh SUEZ – POSCO sau đó đã có đơn thư gửi đến một số cơ quan chức năng phản đối việc liên danh ACCIONA - VINCI trúng thầu.
Theo liên danh SUEZ - POSCO, việc đánh giá của IMA mới chỉ dựa trên giá trúng thầu, trong khi tại thời điểm mở thầu chênh lệnh về giá giữa liên danh ACCIONA – VINCI và liên danh SUEZ - POSCO khoảng 10 triệu USD (khoảng 4%). Đây là sự chênh lệnh không đáng kể đối với một dự án đầu tư với nguồn kinh phí lớn và vòng đời trên 30 năm.
Liên danh SUEZ - POSCO cho rằng thông thường với những dự án tấm cỡ như thế này từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành thì giá quyết toán vượt trên dưới 10% với giá trúng thầu ban đầu là phổ biến. Đặc biệt, đối với dự án hợp đồng điều chỉnh giá việc chênh lệnh 4% là con số không lớn do đó, việc chọn giá để lựa chọn nhà thầu không còn ý nghĩa.
Lùm xùm trong việc lựa chọn các nhà thầu nói trên đang khiến Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tiến độ cũng như nguy cơ tăng kinh phí.
Quốc Anh