TPHCM: Cầu đường, đền bù giải tỏa làm nóng buổi tiếp xúc cử tri
(Dân trí) - Cử tri huyện Nhà Bè phản ánh trên tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) có 4 cây cầu sắt xuống cấp, vừa qua cầu vừa run vì lo sợ cầu sập, rơi xuống sông nhưng hơn 10 năm nay chưa xây mới. Việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng khiến cử tri bức xúc: “Tại sao khi nhận tiền đền bù thì cán bộ nói nhận tiền rồi đi khiếu nại sau?”.
Đi qua cầu sợ sập rớt xuống sông
Chiều 29/11, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) cùng tổ đại biểu Quốc hội số 2 tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Tại đây, cử tri huyện Nhà Bè phản ánh các vấn đề đã được đề cập nhiều lần nhưng chưa được giải quyết tới nơi tới chốn như xây mới 4 cây cầu sắt trên tuyến đường Lê Văn Lương, các dự án tái định cư chậm triển khai, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng không hợp lý, dự án treo ảnh hưởng đến đời sống và quyền sử dụng đất của người dân...
Cử tri Nguyễn Văn Ngọc (xã Phước Kiểng) phản ánh, từ năm 2000 đã có kế hoạch làm cầu Long Kiển nhưng cho đến nay vẫn chưa biết khi nào triển khai. Giá đền bù giải tỏa cũng đã 17 năm nên không còn phù hợp, ông Ngọc đề nghị xem xét lại giá cả và ngành chức năng trả lời khi nào làm cầu cho người dân yên tâm.
Trong khi đó, cử tri Lê Văn Tánh (xã Phước Lộc) cho biết xã phát triển nông thôn mới từ năm 2010, hiện giờ xã vẫn còn vướng một số công trình giao thông như cầu Phước Lộc 1. Cầu này làm từ năm 2010 đến năm 2012 thì tạm ngưng thi công. Người dân cũng chưa hài lòng việc áp giá đền bù.
Cử tri Huỳnh Văn Mẫm (xã Nhơn Đức) bức xúc: “2 xã (Phước Kiểng – Nhơn Đức) còn 4 cầu sắt quá yếu, cầu có từ thời Pháp tới giờ. Người dân rất lo khi đi qua cầu, nhất là lúc kẹt xe. Nhiều phụ nữ sợ rơi xuống sông bất cứ lúc nào”.
Theo cử tri Mẫm, không những cầu yếu mà đường cũng ngập liên tục, một tháng ngập tới 26 ngày, đường ngập cả mét. Học sinh đi học mặc áo dài bị té rất tội nghiệp. Đường liên xã Nhơn Đức - Long Thới, thủy triều lên thì ngập, mưa thì không rút nước.
Còn cử tri Trần Văn Khỏe bức xúc: “Cử tri đã nói nhiều về mấy cây cầu rồi mà không ai nhúc nhích, rục rịch gì”.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng phản ánh về tình trạng đền bù giải tỏa bất hợp lý khiến người dân bức xúc.
Cử tri Đặng Thị Ngọc Tuyết phản ánh nhà bà thuộc diện giải tỏa của dự án khu đô thị mới Phước Kiểng - Nhơn Đức. Từ năm 2000 đến nay, dự án tiến hành 3 lần đền bù giải tỏa. Hai lần đầu thì ổn, lần thứ 3 thì không.
“Tôi khiếu nại nhiều lần vì không đồng ý mức giá nhưng cuối cùng cũng phải nhận vì nước ngập. Khi đó cán bộ nói nhận tiền rồi đi khiếu nại sau. Không biết tại sao cán bộ lại nói như thế? Sau đó tôi đi khiếu nại ở huyện thì giam vài tháng, qua tòa án cũng giam vài tháng. Giờ gửi đơn cho đại biểu. Nhiều cử tri cũng rất bức xúc”, bà Tuyết nói.
Trong khi đó, cử tri Võ Phi Hùng cho biết trong dự án xây dựng khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, nhiều hộ gia đình chưa nhận được tiền giải phóng mặt bằng. “Đến nay, dự án kéo dài mười mấy năm rồi. Người dân không sửa được, nhà sập bất cứ lúc nào...”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, khu tái định cư của dự án còn có 21 hộ dân chưa nhận nhà. Khu vực này cũng chưa hoàn chỉnh hạ tầng, điện thì dùng tạm, mưa thì ngập. Ông đề nghị sớm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Cử tri cũng phản ánh khu dân cư hiện hữu 89ha ở ranh khu đô thị cảng Hiệp Phước chưa cho phép xây dựng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Năm 2018 sửa đường Lê Văn Lương, xây cầu mới
Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Văn Lưu – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè – cho biết khu công nghiệp Hiệp Phước chậm triển khai làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
“Thứ 6 này huyện và Ban quản lý khu Nam sẽ bàn để tháo gỡ cho bà con. Có thể kiến nghị cho bà con xây dựng trên đất nông nghiệp ở Hiệp Phước và tách thửa đối với bà con có nhu cầu”, ông Lưu nói.
Theo ông Lưu, đối với khu tái định cư 29ha đang dở dang, huyện sẽ làm việc với chủ đầu tư để sớm hoàn thiện hạ tầng, sớm ổn định cuộc sống người dân. Đối với việc xây dựng khu dân cư hiện hữu 89ha ở ranh khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện đang chờ ý kiến thống nhất của thành phố.
Đối với cầu Phước Lộc, có 88 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 26 hộ đồng tình giá bồi thường. Còn hơn 50 hộ chưa đồng tình vì giá thấp.
Đối với 4 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương, ông Lưu cho biết cầu Rạch Đĩa, Long Kiển sẽ được khởi công sau 6 tháng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi đang hoàn chỉnh thiết kế và quý 2/2018 sẽ lập dự án. Ngoài ra, đường Lê Văn Lương cũng sẽ nâng cấp trong năm 2018.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề ra hướng giải quyết vấn đề dự án treo và đền bù giải phóng mặt bằng cho huyện Nhà Bè.
Bí thư Nhân đề nghị huyện Nhà Bè gửi danh sách dự án còn chậm, dự án hết hiệu lực; danh sách dự án hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, danh sách người dân chưa hài lòng giá cả cho đoàn đại biểu Quốc hội TP trong tháng 12. Trong đó, huyện phải nêu đặc điểm tình hình và hướng giải quyết các dự án này.
Trên cơ sở đó Đoàn Đại biểu Quốc hội TP sẽ đề nghị HĐND TP có hội nghị chuyên đề về đền bù giải tỏa, lập đoàn giám sát liên ngành.
“Phải xác định rõ cái nào do chính sách, cái nào do bà con hiểu không đúng, cái nào bà con cố tình không đồng ý. Tiếp đó, đoàn có buổi làm việc với địa phương. Sau đó giải thích cho bà con. Trong tháng 5/2018 phải thông tin kết quả đến bà con về vấn đề này”, Bí thư Nhân nói.
Quốc Anh