1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Cải tạo công viên 23/9 thành điểm đến "không ngủ"

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa chấp thuận kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch chi tiết công viên 23/9. Theo ý tưởng này, công viên 23/9 được quy hoạch thành một khu đa chức năng hấp dẫn, đảm bảo thu hút cư dân thành phố và khách du lịch đến tham quan cả ngày lẫn đêm.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận kết quả cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực Công viên 23/9, quận 1.

Sau cuộc thi, Sở Quy hoạch – Kiến trúc sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn chỉnh các phương án quy hoạch đạt giải và áp dụng trong công tác lập quy hoạch công viên trình UBND TP phê duyệt theo quy định.

TPHCM: Cải tạo công viên 23/9 thành điểm đến không ngủ - 1

Hình phối cảnh Công viên 23/9 nhìn từ quảng trường Quách Thị Trang

Khu vực Công viên 23/9 đã từng là nhà ga xe lửa đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được xây dựng vào thế kỷ 19.

Với mục tiêu gợi lưu giữ một phần linh hồn của Đô thị Sài Gòn, định hướng cho thiết kế mới của công viên cần chọn lọc những đường nét của đường ray xe lửa cũ, thông qua việc thiết kế những đường dạo, cầu bộ hành, nối 3 phân khu hiện đang bị chia tách bởi các tuyến đường xuyên khu vực và kết thúc bằng các biểu tượng kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng gợi nhắc lịch sử khu vực.

Bên cạnh đó, các thiết kế trên công viên sẽ hình thành những công năng đa dạng tạo trải nghiệm thú vị cho người dân và khách tham quan với 6 phân khu chức năng (giải trí, sáng tạo, nghệ thuật, thiên nhiên, thể thao và thương mại) đảm bảo đây sẽ là điểm đến cả ngày và đêm cho cư dân thành phố và khách du lịch.

Không gian quảng trường và khu biểu diễn sẽ được ứng dụng hệ thống cây nhân tạo theo từng chức năng ứng dụng khác nhau như cây năng lượng mặt trời (dùng năng lượng mặt trời cung cấp điện năng), cây thu nước mưa (tái tạo sử dụng cho tưới tiêu trong công viên), cây thông gió (sử dụng để tăng khả năng thông thoáng cho phần không gian bên dưới tầng hầm).

Về phân khu chức năng, trên mặt đất gồm: văn hóa, thể thao, nhạc nước, quảng trường trung tâm, lối dạo vườn cảnh, quảng trường nhà ga Metro. Đối với phần ngầm, tầng ngầm 1 và tầng 2 bao gồm: trạm xe bus, thương mại, triển lãm, đỗ xe, tiện ích công cộng, hệ thống kỹ thuật công trình ngầm và cây xanh hiện hữu, khu kết nối dự kiến với nhà ga Bến Thành và nhà ga ngầm C1 tuyến Metro 3a; tầng ngầm 3 và 4 là nơi đỗ xe và hệ thống kỹ thuật công trình ngầm.

Hiện công viên 23/9 bị “xẻ thịt” bởi nhiều công trình dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, văn phòng…

Cụ thể, khu B Công viên 23/9 (quận 1) rộng hơn 50.700m2, phần lớn được cho thuê để sử dụng làm quán cà phê, sân khấu, trung tâm thương mại...

Ngoài ra, khu B còn có sân khấu nhạc nước cũ (sân khấu Sen Hồng) và diện tích mặt bằng xung quanh rộng hơn 7.000m2; Trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch; khu vực tòa nhà của Trung tâm phát triển quỹ đất TP rộng hơn 4.000m2.

Khu C Công viên 23/9 rộng hơn 18.400m2 có ga xe buýt Sài Gòn rộng hơn 16.100m2 thuộc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP quản lý...

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng bức xúc: “Công viên là nơi để người dân nghỉ ngơi, tận hưởng không khí sau một ngày làm việc. Nhưng cuối cùng thì làm ca nhạc, đủ thứ chuyện!”.

Sau đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có chỉ đạo về việc chỉnh trang công viên 23/9, di dời những công trình chiếm dụng đất công viên, trả về đúng chức năng là điểm đến giải trí, nghỉ ngơi cho người dân TP.

Quốc Anh