1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Bùng phát nạn kẹt xe giờ cao điểm

Từ nhiều tháng qua, ở TPHCM, vào những giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên. Tiểu lộ kẹt, đại lộ kẹt, hẻm nhỏ cũng không tránh khỏi… Về được đến nhà hay vào cơ quan đúng giờ là cả vấn đề nan giải.

Có thể nói không ở đâu mà tình trạng giao thông bát nháo như đại lộ Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều lúc người dân muốn chấp hành tốt luật giao thông cũng khó. Vào giờ cao điểm - học sinh tan lớp, công nhân tan ca - hàng đoàn xe rồng rắn nối đuôi nhau nên ai muốn qua bên kia đường cũng chịu.

 

Nhiều người chọn cách cặp trái chiều, nên khi đến Nguyễn Thượng Hiền đã cản ngay đầu xe của luồng phương tiện đi ra Nguyễn Thị Minh Khai. Theo hướng ngược lại, chạy thẳng đến giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai- Cao Thắng- Cống Quỳnh thì mặc dù luật quy định cấm quẹo trái khi đèn đỏ, nhưng tại đây, đèn xanh hay đỏ gì người ta cũng quẹo. Để quẹo qua đường Cao Thắng, các phương tiện gắn máy đã tràn ra chiếm luôn phần đường của ô tô.

 

Đèn xanh thì cản đường các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đèn đỏ thì không nhập được vào luồng và cũng cản luôn các phương tiện di chuyển từ Cao Thắng qua Cống Quỳnh và ngược lại. Đó là chưa kể do bị cản đường, ô tô di chuyển đến hơn 1/3 giao lộ thì đèn bật đỏ. Và kẹt xe là tất yếu. Tại giao lộ này, CSGT có mặt rất sớm - trước giờ cao điểm sáng chiều cả tiếng đồng hồ, nhưng cũng chỉ làm nổi chức năng phân luồng giao thông chứ không kịp xử lý vi phạm.

 

Hiện nay, người dân thành phố khi có việc đi lại trong giờ cao điểm đều hoạch định cho mình một đoạn đường tránh xa các điểm kẹt xe. Nhiều khi xa hơn đoạn đường bình thường đến vài cây số. Nhưng, do số điểm kẹt xe ngày càng nhiều nên nhiều lúc việc chạy đường vòng cũng không giúp tránh được… kẹt xe.

 

Có một thực tế là kẹt xe trong giờ cao điểm như vết dầu loang. Cứ ngã tư này kẹt thì ngã tư gần đó bị ảnh hưởng. Đường nhỏ xe đông kẹt đã đành, nhưng đường lớn cũng kẹt. Đó là trường hợp các con đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương. Khi gặp kẹt xe, các loại phương tiện thường nháo nhào tìm đường thoát.

 

Ai nhanh chân thì phóng vào các con đường nhỏ, ai chậm thì leo lề. Tại ngã tư Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng, vào giờ cao điểm, hàng chục phương tiện nối đuôi nhau leo lên lề, luồn lách trên diện tích chật hẹp lấn chiếm phần đường của người đi bộ. Khách bộ hành thì đi xuống lòng đường, chen lấn trong dòng xe cộ.

 

Thời điểm cuối năm là lúc thành phố rộ lên tình trạng đào đường. Các công trình đào cống hộp và cáp quang điện ngầm thì phân luồng giao thông để thi công luôn trong ngày. Còn các công trình khác làm vào ban đêm. Nhưng không biết do thiếu người hay việc nhiều mà trời sáng trắng rồi vẫn còn hì hụi đào đào, lấp lấp.

 

Không ít đoạn đường như Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Huy Liệu, Tô Hiến Thành, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm… hơn 6 giờ rưỡi sáng vẫn còn thi công. Xe ben đi lấy đất dừng đậu chiếm hết mặt đường. Khu vực nào nghỉ thì đống đất đá lổn nhổn trên đường. Không ít nắp cống, hố ga đang làm dang dở nên đơn vị thi công lập rào chắn nhưng không ít rào chắn tạm bợ xiêu vẹo ngả nghiêng.

 

Tình hình ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm đã đến mức báo động. Vì nhiều lý do khác nhau, chủ quan có, khách quan có, nhưng dù với bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng này để có những biện pháp hữu hiệu tháo gỡ.

 

Theo Đoàn Hiệp
Sài Gòn Giải Phóng