1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Bảo tồn cầu đường sắt hơn trăm tuổi

(Dân trí) - Cầu đường sắt Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn được đưa vào khai thác năm 1902. Để đảm bảo giao thông thủy trên sông Sài Gòn, một cầu mới đang được xây dựng thay thế. Một phần cầu sẽ cũ được bảo tồn, để lưu giữ những dấu tích của ngành đường sắt và phục vụ du lịch.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, nhiều đơn vị liên quan đều thống nhất việc bảo tồn toàn bộ cầu đường sắt Bình Lợi là không khả thi. Cầu không đảm bảo cho giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn. Ngoài ra, các trụ cầu đã hư hỏng và được gia cố nhiều lần; mặt bằng lưu giữ cũng thiếu, đó là chưa kể chi phí bảo quản.

TPHCM: Bảo tồn cầu đường sắt hơn trăm tuổi - 1
Cầu đường sắt Bình Lợi 117 tuổi thay đổi so với nguyên dạng hình vòm

Vì vậy, thống nhất với phương án bảo tồn của Sở Văn hóa – Thể thao TP. Cụ thể, bảo tồn một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm 2 nhịp cầu giáp bờ quận Thủ Đức, trong đó có 1 nhịp cầu quay và một tháp canh đầu cầu quận Thủ Đức). 

Cầu sắt Bình Lợi mới nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương). Sau khi có cầu mới, cầu cũ sẽ được tháo dỡ.

Việc bảo tồn nhằm lưu giữ những dấu tích của cầu đường sắt gắn với không gian sông nước, phục vụ cho tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển du lịch. 

Bảo tàng TPHCM cũng đã tổ chức khảo sát, quay phim, chụp hình cầu đường sắt Bình Lợi. Trong quá trình tháo dỡ cầu cũ, nhà đầu tư sẽ hỗ trợ quay phim, chụp ảnh. Đối với phần được bảo tồn, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sẽ quản lý.

TPHCM: Bảo tồn cầu đường sắt hơn trăm tuổi - 2

Khu vực phía quận Bình Thạnh được đề xuất nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa

Sau khi hoàn thành tháo dỡ cầu, Sở GTVT TP đề xuất giao khu vực phía quận Bình Thạnh cho Khu Quản lý đường thuỷ nội địa nghiên cứu xây dựng bến thuỷ nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch.

Cầu đường sắt Bình Lợi được đưa vào khai thác năm 1902, nằm trong khu gian Bình Triệu - Gò Vấp thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn TP.HCM. Cầu dài hơn 280m, bắc qua sông Sài Gòn, gồm 6 nhịp dàn thép vòm. Đây là cầu sử dụng cho ngành đường sắt lẫn giao thông bộ.

Sơ đồ nhịp trở lại 6 nhịp như ban đầu nhưng kết cấu nhịp 4 và 5 bị thay đổi. Hiện nay, nhịp 1 (22m), nhịp 2 (40m), nhịp 3 (62m) và nhịp 6 (22m) là vòm dàn thép mạ cong (nguyên dạng của Pháp); nhịp 4 (62m) là dàn thép mạ thẳng (dàn thép Mỹ) và nhịp 5 (62m) là dàn thép mạ thẳng (dàn thép Việt Nam).

Như vậy, các nhịp 1, 2, 3 và 6 còn nguyên hình dạng vòm, trong khi nhiều chi tiết thép đã được thay thế qua nhiều thời kỳ. Nhịp 4 và 5 đã thay đổi hình dạng, không còn như ban đầu. 

Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ Thủ Đức sang Bình Thạnh có 1 tháp canh, trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948”.

Quốc Anh