TPHCM: Bao giờ xây cầu thay phà Cát Lái?
(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM đã báo cáo, đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái. Đơn vị này đề nghị Văn phòng UBND thành phố sớm tham mưu lãnh đạo TPHCM xem xét, chỉ đạo.
Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi Văn phòng UBND thành phố về vấn đề quy hoạch xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối thành phố Thủ Đức (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Trước đó, Sở GTVT đã gửi báo cáo, kiến nghị tới UBND TPHCM về việc này từ hồi tháng 5 vừa qua.
Sở GTVT cho biết, trước đó, quy hoạch xây cầu thay phà Cát Lái được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Theo quy định hiện hành và nhiệm vụ quy hoạch chung TPHCM, việc phát triển giao thông vận tải là nội dung cần nghiên cứu.
Do đó, Sở GTVT đề nghị Văn phòng UBND thành phố sớm tham mưu lãnh đạo TPHCM xem xét, chỉ đạo đối với các nội dung đã được đơn vị này báo cáo, kiến nghị.
Theo phương án được Sở GTVT gửi tới UBND TPHCM trước đó, cầu thay phà Cát Lái có điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 TPHCM. Điểm cuối của cầu được kết nối với tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Theo phương án trên, cây cầu có chiều dài 3,1km, tổng chiều dài tuyến là 11,76km. Tuy nhiên, để thực hiện, cơ quan chức năng cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định so với quy hoạch được duyệt để đảm bảo khả năng thông hành, tránh ùn tắc.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lộ giới tuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân tại khu vực. Việc thi công theo phương án này cũng có nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên toàn tuyến, tác động tiêu cực đến hoạt động của cảng Cát Lái.
Phương án 2 được đưa ra là cây cầu có điểm đầu từ nút giao trên đường vành đai 2, cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km. Cây cầu sẽ đi dọc nhánh rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), có chiều dài 3,56km và tổng chiều dài tuyến là 10,68km.
Qua nghiên cứu, Sở GTVT cho biết, phương án thứ 2 sẽ cơ bản hạn chế sự ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái, hạn chế gia tăng lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định. Tuy nhiên, phương án tuyến này sẽ thu hút các phương tiện đi từ trung tâm thành phố đến sân bay Long Thành, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc tại nút giao khu vực cầu Phú Hữu.
Phương án thứ 3 là hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m, điểm cuối của cầu nằm ở xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Chiều dài cầu của phương án này là 3,12km, tổng chiều dài tuyến là 12,45km.
Phương án này cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cảng Cát Lái. Đồng thời, cây cầu cũng ảnh hưởng đến quy hoạch các dự án, đặc biệt là dự án xây tuyến nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2.
Phương án thứ 4 là cây cầu có điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, kết nối với xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Tổng chiều dài tuyến là 13,71km, trong đó, cầu chính dài 3,5km.
Theo Sở GTVT, đây là phương án có nhiều ưu điểm. Cụ thể, cây cầu sẽ tạo ra mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm TPHCM, khu vực biển Cần Giờ. Phương án này cũng có tính khả thi trong nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch, thuận lợi trong giải phóng mặt bằng.
Phương án thứ 5 là cây cầu có điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua tổng kho xăng dầu Nhà Bè và vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, Phú Đông. Tuy nhiên, phương án này khó đảm bảo tính khả thi thực hiện do cần điều chỉnh quy hoạch nhiều khu vực.