1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM: Báo bão cho dân bằng tin nhắn điện thoại

(Dân trí) - Trong thời gian 48 giờ trước khi bão đổ bộ vào thành phố, các đơn vị liên quan phải liên tục thực hiện thông tin cảnh báo bằng tin nhắn qua điện thoại di động về diễn biến của bão cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh an toàn.

Đó là 1 trong những nội dung mới trong Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố mà UBND TPHCM vừa ban hành.

Người dân TP còn rất xa lạ với bão, hoạt động sơ tán dân chỉ có ở huyện Cần Giờ (ảnh: Trung Kiên)
Người dân TP còn rất xa lạ với bão, hoạt động sơ tán dân chỉ có ở huyện Cần Giờ (ảnh: Trung Kiên)

Ngày 1/4/2012, lần đầu tiên TPHCM đón nhận 1 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào TP. Thế nhưng, khi bão đã vào, rất nhiều người vẫn còn đi lại trên đường mà không hề có ý định về nhà tránh bão. Khi gió lốc tiến vào TP, hàng ngàn người phải dừng xe bên đường để tránh gió. Rất may cơn bão sau đó suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới nên không có thiệt hại về người.

Dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng điều đó cho thấy công tác báo bão của TP vẫn chưa đủ, nhiều người dân chưa ý thức được tính nghiêm trọng khi bão vào TP. Do đó, UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền khi chuẩn bị vào, phải liên tục cảnh báo bằng tin nhắn điện thoại đến từng người dân.

Ngoài ra, theo phương án này, khi bão vào TP, Sở Giao thông Vận tải phải bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông tại các bến phà, đò ngang, đò dọc để nhân dân chuyển hướng di chuyển, không tập trung đi lại tại các bến tàu vận tải hành khách trong thời gian áp thấp nhiệt đới, bão có khả năng đổ bộ vào TP.

Công an và thanh niên xung phong triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi bão xảy ra để trộm cắp, cướp giật.

Sở Xây dựng triển khai kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, xưởng, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp). Sở Tài nguyên và Môi trường lên phương án bảo vệ kho tàng, kho hóa chất, các bãi rác để đảm bảo an toàn khi mưa, bão, áp thấp nhiệt đới gây ngập úng trên diện rộng.

Huyện Cần Giờ được giao lên kế hoạch di dời dân từ xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở ven sông, ven biển, trong rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, nhà đơn sơ (nhà lá, mái tôn, tường mỏng…) không đảm bảo an toàn đến các địa điểm trú ẩn kiên cố, chắc chắn để khi có lệnh có thể di dời ngay người dân đến nơi an toàn.

Sở Công Thương thành phố, Saigon Co-op… tổ chức trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời tránh bão, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói.

Các sở ban ngành khác cũng được giao phụ trách bảo đảm an toàn các kho bãi, chợ, nhà máy, pa nô, biển quãng cáo, khách du lịch…

Theo phương án ứng phó này, khi bão đổ bộ vào, TP huy động tổng lực khoảng 29.000 – 30.000 người ứng chiến. Trong đó, lực lượng chuyên trách cấp TP khoảng 4.000 người; lực lượng của quận - huyện khoảng 9.000 đến 10.000 người và lực lượng của ban - ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã - phường - thị trấn khoảng 16.000 người.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm