TPHCM: Bãi đậu xe ngầm vẫn nằm trên giấy?
(Dân trí) - Thực trạng thiếu bãi đậu xe tại TPHCM ai cũng biết, do đó từ năm 2002, các nhà đầu tư đã tính đến phương án xây bãi đậu xe ngầm. Nhưng sau 5 năm khởi động, các phương án ấy cũng mới chỉ là những dự án nằm trên giấy.
Chấp thuận chủ trương nhưng vướng đủ thứ
Hiện TP có có 8 vị trí quy hoạch bãi đậu xe ngầm (BĐXN), gồm: Công trường Lam Sơn, công viên (CV) Lê Văn Tám, bờ sông Sài Gòn (khu vực nhà máy Bason), CV Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, CV Bách Tùng Diệp, CV 23/9, sân bóng Tao Đàn.
Các vị trí này đều đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, chỉ chờ TP cho phép là tiến hành xây dựng. Thế nhưng, đến nay tất cả vẫn còn phải chờ xem xét vì vướng quá nhiều thứ.
Trong 8 dự án trên thì dự án tại CV Lê Văn Tám do công ty Cổ phần phát triển không gian ngầm (IUS) đầu tư là tiến triển nhanh nhất. Công ty này đã chuẩn bị phương án thiết kế từ năm 2003, mãi đến năm 2005 mới được Chính phủ phê duyệt. Nhưng TP đình lại vì vướng quy chuẩn.
Bởi tại nước ta chưa từng có các quy chuẩn cho BĐXN. Nhiều chuyên gia gỡ rối bằng cách đề xuất dùng quy chuẩn nước ngoài. Loay hoay hết 1 năm nữa, dự án này mới được chấp nhận.
Đùng cái đến 2007 lại vướng phương án thi công. Vì TP cho rằng: dự án BĐXN thì phải… thi công ngầm. Trong khi đó, với diện tích đào lên đến 170m x172m, thi công hở ¼ là phương án dễ triển khai và đỡ tốn kém nhất, trên thế giới đều dùng phương án này. Nhưng TP vẫn chưa chấp nhận.
“Dùng dằng, vướng víu mãi nên cái BĐXN dự kiến xây dựng trong 2 năm mà mất 5 năm xin giấy phép vẫn chưa xong, tiền vốn thì tăng từ 700 tỷ lên 1.286 tỷ đồng” - nhà đầu tư than thở.
Vướng cả quy hoạch
Dự án BĐXN tại công trường Lam Sơn TP đã thống nhất chủ trương vào tháng 9/2004. Năm 2005, nhà đầu tư trình thiết kế lên Sở Xây dựng, nhưng dùng dằng đến năm 2007 vẫn chưa được cấp phép. Vì… tương lai gần vị trí này sẽ có ga tàu điện ngầm (GTĐN) của tuyến metro số 1.
Dự án BĐXN trên đường Nguyễn Huệ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thì đến tháng 10/2207, TP cấm xây BĐXN tại đây. Vì tương lai sẽ quy hoạch phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, xe làm sao vào mà đậu (?!). Vậy là BĐXN này được yêu cầu di dời ra khu vực nhà máy Ba Son, mọi thứ phải làm lại từ đầu.
Buồn cười nhất có lẽ là 2 dự án BĐXN tại sân bóng Tao Đàn và số 116 Nguyễn Du, được kêu gọi đầu tư từ năm 2004. Đột nhiên đến giữa năm 2007, TP chợt “nhận thấy” hai vị trí này quá gần nhau. Vậy là hai bãi này được sát nhập thành một, dự kiến xây tại sân bóng Tao Đàn.
Dự án BĐXN tại CV 23/9 thì vẫn đang chờ… quy hoạch chi tiết của khu vực. Vì tại đây, Sở GTCC dự kiến sẽ xây một trung tâm điều phối hành khách cho hệ thống xe buýt. Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị cũng dự kiến xây một GTĐN tại đây.
Vướng nhất có lẽ là quy hoạch hệ thống GTĐN cho 6 tuyến metro của TP. Vì đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất là sẽ xây các GTĐN tập trung tại vị trí chợ Bến Thành để thuận tiện cho hành khách trung chuyển; hay sẽ phân bố các GTĐN ra xung quanh, lấy chợ Bến Thành làm trung tâm để phân bổ hành khách ra, tránh kẹt đường.
Nếu các GTĐN gom lại thì chỉ có dự án BĐXN tại CV 23/9 phải chờ. Nhưng nếu phương án phân bố ra xung quanh mà được chấp nhận thì có lẽ hầu hết các dự án BĐXN đều phải chờ. Nhưng nói tóm lại, hiện nay tất cả đều phải chờ.
Tùng Nguyên