TPHCM "bác" ý tưởng chống ngập bằng “giải pháp mềm” trị giá 20.000 tỷ
(Dân trí) - “Giải pháp mềm” để TPHCM hết ngập là xây dựng mô hình “kè hở áp lực cột nước thấp” nhằm giảm đỉnh triều cường trên hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Dự kiến, kinh phí triển khai giải pháp này là khoảng 20.000 tỷ đồng.
Chiều 31/5, lãnh đạo UBND TPHCM cùng một số sở, ngành đã lắng nghe một doanh nghiệp trình bày đề án giải pháp chống ngập cấp bách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố giai đoạn 2025 – 2050.
Theo các chuyên gia chống ngập, các giải pháp như xây đê, kè, bờ bao, nâng cao nền, làm nhà nổi... lâu nay thường dùng hiện được xem “giải pháp cứng”. Các giải pháp này về lâu dài sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường và ảnh hưởng ngược đến cuộc sống của người dân...
Trong khi đó, hiện nay có những “giải pháp mềm” như tạo vùng ngập mặn để giảm sóng biển, làm công viên bờ biển để chắn sóng (thay vì xây kè), đổ đất bồi cho bờ biển, tạo ụ nổi ụ chìm làm tan năng lượng sóng...
Theo đề án, “giải pháp mềm” cho TPHCM là tìm cách hạ bớt đỉnh triều bất thường trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ để chống ngập cho thành phố và quy hoạch khả năng bền vững nhằm giữ mức triều cao bình thường trên hệ thống sông này. Dự kiến, kinh phí triển khai thực hiện giải pháp này khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể, giải pháp chống ngập của đề án là kiểm soát triều ở khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp. Khu vực này sẽ được xây dựng mô hình “kè hở áp lực cột nước thấp” trên nhánh sông phù hợp thuộc hệ thống sông Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Tranh. Giảm mức đỉnh triều trên sông Đồng Nai và Vàm Cỏ bằng biện pháp phi công trình là xây dựng hồ Đa nhiệm – Điều tiết tại huyện Cần Giờ nhằm giữ mức triều cường cao bình thường trên các hệ thống sông.
Đánh giá về đề án, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ đề nghị cần làm rõ tính khả thi so với quy hoạch chống ngập úng của thành phố vì khi làm dự án phải di dời nhiều công trình. Đồng thời, xem xét việc xây hồ vì sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng phòng hộ.
Còn Tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, đề án chỉ dừng lại ở đề tài nghiên cứu khoa học chứ không phải là chương trình chống ngập. “Từ một đề tài khoa học qua một ứng dụng cụ thể thì phải đánh giá kỹ. Dự án chống ngập của thành phố đã làm 20 năm nay tốn biết bao tiền của, chất xám nên phải hết sức kỹ lưỡng khi đề cập đến ý tưởng này”, ông Sanh nói.
Cũng theo TS Phạm Sanh, thực chất đây là ý tưởng hay về giảm cao độ triều. Hiện tại, đây chỉ mới là mô hình thí nghiệm nên cần phải nghiên cứu cụ thể và tính toán kỹ hơn. Đây có thể là dự án khoa học hoặc có thể triển khai một dự án nhỏ chứ không thể “tuyên bố” là giảm ngập cho thành phố. Giải quyết chống ngập cho thành phố là bài toán tổng hợp, hết sức phức tạp chứ không đơn giản.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, người dân thành phố đang rất quan tâm đến vấn đề chống ngập nước và phản ánh rất nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Hiện nay, thành phố đang triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình chống ngập, đồng thời lắng nghe nhiều “hiến kế” từ người dân, đơn vị, nhà khoa học…
Theo ông Phong, thành phố ngập do mưa, triều, nước biển dâng, lũ thượng nguồn và cũng không loại trừ tình trạng lún và có cả việc quản lý yếu kém. Cho nên khi tiến hành các giải pháp chống ngập thì phải đồng bộ và có tính liên kết.
“Tôi đã lắng nghe rất kỹ phần trình bày nhưng đây chưa phải là dự án để thành phố hết ngập; cũng không nói rõ là giảm ngập bao nhiêu, tác động thế nào đến môi trường, người dân…Ý tưởng này chỉ là vấn đề nước triều lên. Trong khi thành phố ngập do nhiều nguyên nhân nên phải có giải pháp đồng bộ. Mong đơn vị tiếp thu ý kiến của các sở, ngành và nhà khoa học để hoàn chỉnh và thành phố sẽ nghiệm thu, xem đây là một giải pháp kỹ thuật để chống ngập”, ông Phong nói.
Quốc Anh