1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tổng Thanh tra: “Có việc thanh tra nhũng nhiễu, tiêu cực”

(Dân trí) – “Hiện tượng thanh tra nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, lọt, lộ thông tin là có. 5 năm qua, ngành đã xử lý 16 cán bộ, riêng năm 2012 xử lý 6 cán bộ vì những vi phạm này” – Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phân tích, Thanh tra Chính phủ báo cáo, dù đã tiến hành hàng chục nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển CQĐT mấy trăm trường hợp, chiếm chưa đến 1% tổng số vụ. Ông Tiến nêu nghi vấn có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự về tham nhũng?

“Có biểu hiện ngại, nể nang, né tránh, e dè, sợ va chạm hoặc lựa chọn hệ số an toàn cao trong thanh tra các vụ việc liên quan đến tham nhũng không hoặc các thanh tra viên có bị áp lực hoặc lực cản nào từ nhiều phía không, có bị cấp nào nắn dòng, bẻ ghi, chuyển hướng thanh tra không?” – ông Tiến hỏi xoáy.
 
Đại biểu Lê Như Tiến: Thanh tra ngại va chạm hay bị cấp nào nắn dòng, bẻ ghi? (ảnh: M.D).
Đại biểu Lê Như Tiến: "Thanh tra ngại va chạm hay bị cấp nào nắn dòng, bẻ ghi?" (ảnh: M.D).

Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh xác nhận, có nguyên nhân do thanh tra có khuyết điểm, phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn và hứa tiếp thu để nâng cao chất lượng hoạt động. Quá trình thanh tra, kết luận cũng cần có sự thống nhất của đối tượng thanh tra nên không thể nói thiếu trung thực, khách quan. Ông Tranh quả quyết, vì vậy “dù thực hiện kết luận chậm nhưng cũng không có gì mà ngại va chạm hoặc phải chọn hệ số an toàn cao”. Trong hơn 1 năm từ ngày nhậm chức, ông Tranh cũng khẳng định chưa thấy trường hợp nào bị can thiệp, "nắn dòng".

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) chỉ ra một nghịch lý, qua 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Vậy nhưng việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng lại năm sau giảm hơn so với năm trước. Ông Quyền yêu cầu Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân cũng như đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành khi ít phát hiện được tham nhũng.

Ông Huỳnh Phong Tranh giải thích, do một thời gian dài chưa thống kê số vụ tham nhũng nên có việc “cộng dồn”, những năm đầu thống kê cao, nhất là kể thêm nhũng vụ tồn đọng. Những năm sau, số lượng ít hơn vì tồn đọng không còn.

Ngoài ra, theo Tổng Thanh tra, tham nhũng là loại tội phạm “ẩn”, tinh vi, khó phát hiện. Càng về sau, người tham nhũng càng “cao tay” hơn. Trong bối cảnh đó, quyết tâm chống tham nhũng càng thêm mạnh mẽ, việc xử lý nghiêm khắc, kiên quyết hơn nên tham nhũng cũng có thể giảm đi. Tuy nhiên, vì thế diễn biến tội phạm càng phức tạp.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp “bật” lại: “Nói tham nhũng là tội phạm ẩn, tinh vi, phức tạp thì cách đây 10 năm, 20 năm nó cũng ẩn và tinh vi, phức tạp. Trong khi về mặt tổ chức, năng lực, lực lượng chống tham nhũng ngày càng được kiện toàn, quyết tâm không thiếu nhưng việc phát hiện tham nhũng lại ít đi. Thực trạng này phải chăng thể hiện ở đây có vấn đề về lợi ích nhóm, có việc bao che trong đội ngũ cán bộ”.

Tổng Thanh tra “xuống nước”, hứa tiếp thu để làm tích cực, kỹ hơn trong hoạt động thanh tra của mình. Ông Tranh cũng xác nhận, ngành thanh tra đã nhận thấy trách nhiệm trong việc ít, chậm đề nghị CQĐT vào cuộc điều tra khi đối tượng thanh tra có dấu hiệu tham nhũng.
 
Tổng Thanh tra: Thanh tra không ngại va chạm hoặc phải tính chọn hệ số an toàn cao.
Tổng Thanh tra: "Thanh tra không ngại va chạm hoặc phải tính chọn hệ số an toàn cao".

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của người đứng đầu ngành thanh tra, đại biểu Lê Như Tiến lần thứ 2 bấm nút. Ông cho biết, qua đường dây nóng, ông vừa nhận ý kiến của cử tri phản ánh hiện tượng, khi nhận thông báo thanh tra, các cơ quan, tổ chức, nhất là doanh nghiệp thường rất lo lắng.

“Lo chuẩn bị báo cáo, nội dung đồng thời cũng lo hành xử thế nào để đẹp lòng các thanh tra viên. Thậm chí có thanh tra viên còn đặt điều kiện nhũng nhiễu, buộc đơn vị lo đón tiếp hoành tráng tưng bừng. Quá trình thanh tra phải lo chăm sóc chu đáo. Khi thanh tra ra về lại lo tiễn đưa hậu hĩnh, kính gửi đậm đà…” – ông Tiến băn khoăn, đây có phải là nguyên nhân của hàng trăm cuộc thanh tra mà không phát hiện được gì?

Người đứng đầu ngành thanh tra xác nhận, hiện tượng thanh tra nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, lọt, lộ thông tin như đại biểu phản ánh là có. 5 năm qua (2007 – 2012), ngành cũng đã xử lý 16 cán bộ, riêng năm 2012 xử lý 6 cán bộ, trong đó có 2 trường hợp xử lý hình sự và một trường hợp buộc thôi việc vì những vi phạm, hành vi nhũng nhiễu này.
 
Đối với câu hỏi đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề cập việc kê khai tài sản của cán bộ công chức hàng năm còn nặng tính hình thức, hậu kê khai tài sản “chưa nói lên nhiều điều”, Tổng Thanh tra thừa nhận. Theo quy định hiện hành, vừa qua, hàng năm, trên 100.000 cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng việc kê khai còn hình thức.

Cụ thể, kê khai nhưng không công khai bản kê tại nơi công tác và nơi cư trú. Hơn nữa, việc kê khai cũng không có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Sắp tới, khi sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất mở rộng đối tượng kê khai, quy định công khai tại nơi cư trú, nơi công tác, việc tăng thu nhập phải được giải trình rõ ràng giữa 2 kỳ kê khai.

 
 P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm