Tổng Thanh tra Chính phủ "chốt hạ" vụ việc khiếu kiện kéo dài 17 năm

(Dân trí) - Chỉ qua một buổi tiếp dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã “chốt” lại phương hướng xử lý cuối cùng đối với một dự án trên địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội bị người dân khiếu kiện, tố cáo suốt 17 năm qua.

 

Ông Nguyễn Hải Đường - đại diện cho 63 hộ dân phường Yên Phụ trình bày sự việc với Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thế Kha)
Ông Nguyễn Hải Đường - đại diện cho 63 hộ dân phường Yên Phụ trình bày sự việc với Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thế Kha)

Tại Trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội ngày 8/1, một số người dân đại diện cho 63 hộ dân phường Yên Phụ đã không thể kìm được bức xúc và những giọt nước mắt bởi những khổ đau, vất vả mà họ phải gánh chịu trong suốt nhiều năm trời “ôm đơn” đi khiếu kiện khắp các cơ quan, ban ngành của Hà Nội và Trung ương.

Phó chủ tịch Hà Nội đề nghị thanh tra... lời dân nói

Theo UBND TP Hà Nội, Dự án Khu nhà ở  và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương được triển khai từ năm 1990. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi 13.970 m2 đất tại phường Yên Phụ giao cho Công ty TNHH IDC sử dụng để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay mới giải phóng được hơn 7.900 m2, còn lại hơn 6.000 m2 đất chưa giải phóng mặt bằng, một số diện tích đất hồ lấp trước đây đã bị lấn chiếm, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và người dân.

Ông Nguyễn Hải Đường - người được 63 hộ dân phường Yên Phụ cử làm đại diện - khẳng định trước đây người dân sinh sống quanh khu vực hồ An Dương đã sẵn sàng giao đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên sau đó người dân đã phát hiện hàng loạt bất thường, giao đất và đền bù đất đai không đúng quy định, áp đặt giá đền bù vô lý nên đã tập hợp hồ sơ khiếu kiện. Dự án triển khai được nửa chừng thì phải dừng lại và treo suốt nhiều năm qua.

“Xây dựng dự án thì lẽ ra người dân phải được thụ hưởng nhưng người dân ở đây chưa được thụ hưởng một hạ tầng nào. Họ thu cả nhà vệ sinh của dân để xây dựng công trình để bán. Dự án treo mười mấy năm nay thực sự là cười ra nước mắt, bởi đến giờ người dân và TP Hà Nội đều là con nợ của chủ đầu tư. Tại sao Hà Nội lại là con nợ của chủ đầu tư? Vì khi được giao dự án, chủ đầu tư đã nộp 6,1 tỷ tiền sử dụng đất nhưng đến nay mới thu hồi được một phần. Nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư rồi nhưng đất chưa trả chủ đầu tư”- ông Đường nói.

Bà Đào Thị Băng Tâm- nguyên cán bộ Văn phòng Trung ương mua một mảnh đất rộng 92m2 ở khu vực này và được UBND phường Yên Phụ xác nhận nguồn gốc rõ ràng nhưng khi thu hồi thực hiện dự án lại được tính là “đất lấn chiếm” nên giá đền bù rẻ mạt.

Ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định mục đích của dự án là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận. Đến nay đã có 71 hộ dân nhận tiền đền bù. Chủ đầu tư đã xây dựng được hơn 30 căn hộ để bán...

“Vậy tại sao dự án lại treo lâu đến vậy ?”- Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ngắt lời.

Ông Tuấn trả lời: “Do xuất hiện Luật Đê điều, chủ đầu tư sau khi tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng cũng kéo dài. Hơn nữa theo luật phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhưng cộng đồng không đồng ý với lấy đất của họ. Quận đã báo cáo nhiều lần về nội dung này và sau khi kiểm tra hiện trạng thực tế phát hiện dự án nằm trong quyết định thu hồi đất của Thủ tướng nên quận Tây Hồ đã kiến nghị xem xét điều chỉnh tổng mặt bằng và quyết định thu hồi đất của dự án”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng Hà Nội đã có rất nhiều cuộc làm việc, gửi nhiều văn bản trả lời, đối thoại với người dân về dự án này.

“Có những mảnh đất người dân ở mấy đời, mấy trăm năm nhưng rơi vào dự án, có quyết định nhà nước thì anh phải chuyển, còn lại vấn đề là chính sách. 72 hộ dân không đồng ý, chúng tôi đã hướng dẫn ngay trong các văn bản rồi, các vị có quyền khởi kiện ra tòa án, chúng tôi khuyến khích điều đó”.

Đặc biệt, ông Vũ Hồng Khanh đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho thanh tra ngay việc ông Nguyễn Hải Đường trích dẫn lời nói của mình về việc “nhà nước không thiếu tiền”, “dùng xe ủi san lấp...” để đảm bảo quyền lợi và sòng phẳng với nhau.

“Anh Đường dẫn lời của tôi để nói với Tổng Thanh tra như vậy nhưng đề nghị làm rõ tôi có nói thế không, nói bao giờ?”- ông Khanh nói.

Ngay lập tức, ông Đường đáp lại: “Đó là phát biểu tại cuộc họp mới đây giữa đồng chí Khanh với chủ đầu tư và các ban ngành liên quan. Tôi có ghi âm”.

“Đó là cuộc họp nội bộ, không có bộ ngành nào dự cả”- ông Khanh nói.

“Chốt hạ” vụ việc kéo dài 17 năm trời

Kết luận buổi tiếp dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói dự án kéo dài 17 năm đã làm ảnh hưởng đến tài sản của xã hội và ảnh hưởng tới bà con người dân. “Đây là kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án khác phải làm sao đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, nhà nước và người dân”- ông nói.

Theo ông Tranh, dự án làm đúng mục đích chứ không phải tự phát; quá trình giải phóng mặt bằng đúng yêu cầu và đã thu hồi trên 56% diện tích đất. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án có những hạn chế. Về mặt khách quan là do các quy định pháp luật về đất đai, đê điều, địa giới hành chính, cơ cấu tổ chức bộ máy thay đổi đã làm chậm trễ dự án này. Về chủ quan, khả năng của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án có nguồn lực nhất định. Tới năm 2012 thấy năng lực có hạn, hiệu quả không cao và biến động tình hình đất đai nên đã đề xuất Hà Nội điều chỉnh quy hoạch, thu hẹp dự án.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc trong quý 2/2016 (Ảnh: Thế Kha).
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc trong quý 2/2016 (Ảnh: Thế Kha).

 

Chính vì thế, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu đối chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật đối với phần đất đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.

“Đối với diện tích hơn 6.000 m2 ảnh hưởng tới 72 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng thì thống nhất với Hà Nội và quận Tây Hồ là sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch, đưa diện tích này ra khỏi dự án”- ông Tranh nói.

Đối với đề xuất thanh tra, thậm chí mời cơ quan công an vào cuộc làm rõ dấu hiệu sai phạm tại dự án này, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng khi tiếp cận hồ sơ vụ việc, nghe bà con trình bày và đọc báo cáo của Hà Nội đã thấy rất rõ ràng, sáng tỏ. Theo ông Tranh lúc này chưa cần thiết phải thanh tra mà sẽ theo dõi sát dự án, nếu thấy dấu hiệu không bình thường mới thanh tra, xử lý.

Ông Tranh giao Hà Nội tiến hành rà soát cụ thể và giải quyết từng trường hợp một, thực hiện xong trong quý II năm 2016.

Ông Tranh đề nghị người dân không tới Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương để khiếu kiện đông người nữa, bởi với tư cách người đứng đầu Thanh tra Chính phủ ông đã kết luận rõ ràng.

“Chúng tôi đã giao rồi, Ban Tiếp công dân Trung ương và Hà Nội sẽ phối hợp giải quyết cho bà con. Bà con không phải đi lên đi xuống nữa tốn kém thời gian, tiền bạc cho bà con”- Tổng Thanh tra Chính phủ chốt lại.

 

Chủ đầu tư “đòi tiền” Hà Nội

Đại diện chủ đầu tư - Công ty TNHH IDC cho rằng việc dự án treo nhiều năm như vậy xuất phát từ việc các quy định của pháp luật và nghị định hướng dẫn ra đời, thay đổi quá nhiều. “Trong thời gian từ đó tới nay đã điều chỉnh 25 loại đất, nhiều điều luật, nghị định hướng dẫn. Khi Luật Đê điều ra đời thì dự án của chúng tôi bị dừng lại. Do chúng tôi đi tiên phong và gặp rủi ro trong quá trình điều chỉnh. Hơn nữa lý dự án chậm trễ vì pháp luật liên tục thay đổi nên phường và quận đều bó tay”- vị này nói.

Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư đề nghị Hà Nội thanh toán một số khoản tiền trong quá trình san lấp hồ An Dương để thực hiện dự án giai đoạn trước đây. “Nhà nước là người điều chỉnh, thấy không phù hợp thì cứ thu hồi lại, công ty không có quyền gì cả. Nhưng nhà đầu tư đã đầu tư 26 năm nay rồi, quá trình đó trượt giá, làm thiệt hại cho chúng tôi. Lúc đó 1.000 đồng ăn được 1 bát phở, đến nay 26 năm  rồi, đề nghị Hà Nội tính toán bồi hoàn lại theo giá trị trường cho phù hợp”- đại diện công ty này khẩn thiết.

 

Thế Kha