1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng cục Thủy sản nói gì về 55 tàu đóng theo Nghị định 67 không hoạt động?

(Dân trí) - Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, 55/1.030 tàu, tức 5,2% số tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ không hoạt động, chủ yếu là tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần, tàu lưới rê, tàu câu.

Hôm nay, 4/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc gặp mặt báo chí để thông tin về nội dung quản lý, khai thác, phát triển ngành Thủy sản bền vững.

Tổng cục Thủy sản nói gì về 55 tàu đóng theo Nghị định 67 không hoạt động? - 1

Quang cảnh cuộc làm việc.

Theo Tổng cục Thủy sản, để có cơ chế đầy đủ, đồng bộ cho phát triển thủy sản, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản trên biển, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trên biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP (bao gồm 4 nhóm chính sách: Đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế và 1 số chính sách khác). Trong quá trình thi hành, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP để sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

Tại cuộc làm việc nói trên, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc triển khai và thực hiện Nghị định 67 đã tạo động lực để thúc đẩy ngành Thủy sản phát triển về số lượng tàu cá xa bờ, sản lượng, nhằm tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng tàu cá, trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kết quả, tính đến hết ngày 31/12/2017 cả nước đã có 1.030 tàu cá đi vào hoạt động; trong đó, phân theo công dụng tàu: 863 tàu khai thác, 167 tàu dịch vụ hậu cần và phân theo chất liệu: Vỏ gỗ 574 chiếc; Vỏ thép 358 chiếc; vật liệu mới 98 chiếc.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm, tính đến 30/9/2019 đã hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ cho gần 40 nghìn lượt tàu cá với tổng kinh phí hỗ trợ cho ngư dân là hơn 900 tỷ đồng. Tổng số thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn là hơn 410 nghìn lượt; tổng số phí bảo hiểm hỗ trợ là 123 tỷ đồng.

Tổ chức đào tạo gần 2 nghìn thuyền viên vận hành, khai thác, bảo quản sản phẩm với 7,6 tỷ đồng. Hỗ trợ 3.740 chuyến biển cho tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên với số tiền hơn 155 tỷ đồng.

Tổng cục Thủy sản nói gì về 55 tàu đóng theo Nghị định 67 không hoạt động? - 2

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản.

Theo ông Luân, bên cạnh đó cũng có 21 tàu vỏ thép (chiếm 2% trong 1.030 tàu đóng mới; hoặc chiếm 5,8% trong 358 tàu sắt đóng mới) gặp sự cố; trong đó 20 tàu bị hỏng của Bình Định (5 tàu đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương, 15 tàu đóng tại Công ty Nam Triệu).

"Đến cuối năm 2017, số tàu trên đã hoạt động bình thường. Một tàu của Quảng Nam đóng tại Công ty Bảo Duy Đà Nẵng khi chạy thử, máy chính bị gãy trục cơ, tranh chấp pháp lý đến nay chưa xử lý xong. 55/1.030 tàu (5,2%) số tàu đóng mới không đi hoạt động, chủ yếu là tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần, tàu lưới rê, tàu câu" - ông Luân nói.

Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị 67/2014/NĐ-CP, sau đó Chính phủ sẽ tổ chức tổng kết để rà soát, hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách đang phát huy kết quả tốt như: bảo hiểm cho ngư dân; bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ;  hỗ trợ hậu cần nghề cá... Không phát triển thêm tàu mới, trừ trường hợp đặc biệt sẽ đề xuất áp dụng phương thức hỗ trợ một lần sau đầu tư. Tính đến nay, đã 42 tàu đóng mới theo phương thức hỗ trợ một lần sau đầu tư và các tàu đang khai thác rất hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương sẽ tập trung xử lý dứt điểm những tồn đọng và phát triển những ngành nghề mới để tạo kế sinh nhai như: nuôi biển công nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi. Tập trung đánh giá kỹ hiện trạng các thiết chế hạ tầng như cảng biển, khu neo đậu, hậu cần nghề cá... để đề xuất, kiến nghị bổ sung và hoàn thiện trong giai đoạn tới.

Nguyễn Dương