Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã “xẻ thịt đất” như thế nào?
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND TPHCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền nhưng SAGRI đã bàn giao đất, thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như Dân trí đã phản ánh, bên hành lang Quốc hội mới đây, đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng việc xử lý đối với hàng loạt sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TPHCM chưa khiến ông cảm thấy hài lòng.
Những sai phạm xảy ra tại SAGRI đã được Thanh tra TPHCM và Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể việc xử lý trách nhiệm cá nhân của những người liên quan đang đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận. Từ đó ông Vân đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Theo Kết luận kiểm toán số 387/KTNN về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn-TNHH MTV, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt “vấn đề” trong quản lý, sử dụng đất đai tại SAGRI. Nhưng cho đến thời điểm này, ông Lê Tấn Hùng- Tổng giám đốc SAGRI chỉ bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND TPHCM quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào tháng 1/2019.
Đụng đâu sai đó
Tổng diện tích đất của các đơn vị thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) được kiểm toán đang quản lý, sử dụng tính tới thời điểm tháng 5/2018 là 71.889.529 m2 (hơn 7.100 ha).
SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty con 100% vốn công ty mẹ) ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 19.199.719m2 (1.919ha).
Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2015 đến năm 2016, SAGRI đã ký thành lập 3 pháp nhân mới để hợp tác kinh doanh trên diện tích nói trên.
10 ngày sau đó, ngày 2/8/2016, SAGRI và Tập đoàn Trung Thuỷ ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 để thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ SAGRI nhằm thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty Bò Sữa.
“Mặc dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND TPHCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền, nhưng SAGRI đã bàn giao hơn 140 ha đất cho pháp nhân mới để thực hiện dự án (Biên bản bàn giao đất được lập trước khi pháp nhân mới được thành lập)”- Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định, SAGRI bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa cho đơn vị khác khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TPHCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan nhà nước là không đúng thẩm quyền, trái với Quyết định số 09/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và không đúng quy định tại Điều 2 Quyết định số 5039/2013 của UBND TPHCM về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bò Sữa.
Đồng thời, việc giao đất cho các đối tác có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bò Sữa do phải dừng hoạt động sản xuất trên khu đất, chưa nhận được các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ di dời khi bàn giao đất.
Ông Lê Tấn Hùng- Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (bên trái).
Thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện, ngày 9/12/2015, Công ty Agrimexco (công ty 100 vốn của SAGRI) và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thuỷ ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 463, thành lập Công ty TNHH Trung Thuỷ Agri để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch.
Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty TNHH Trung Thuỷ Agri được thành lập, UBND TPHCM chưa ban hành quyết định phê duyệt danh mục các cơ sở phải di dời, Công ty Agrimexco chưa tính toán tổng mức đầu tư của dự án để đảm bảo khả năng tài chính liên doanh thực hiện dự án là không đúng quy định tại Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, việc góp vốn thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn theo Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của Thủ tướng, thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định số 91/2015 của Chính phủ.
SAGRI và Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Sài Gòn VRG ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp đô thị Phạm Văn Hai để thực hiện dự án Khu công nghiệp Phạm Văn Hai và Đô thị dịch vụ liền kề phục vụ khu công nghiệp trên khu đất có diện tích 7.680.000 m2 (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh của Công ty Cây trồng).
Việc SAGRI ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới có ngành nghề kinh doanh bất động sản là không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và không thuộc lĩnh vực được phép đầu tư theo quy định tại Nghị định số 91/2015 của Chính phủ.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện SAGRI đã ký 7 hợp đồng hợp tác với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích trên 1.140.882 m2, gồm 6 cơ sở nhà đất do SAGRI quản lý, 1 khu đất do Công ty Bò Sữa quản lý.
Trong đó, 6 hợp đồng hợp tác thực hiện theo phương thức việc kinh doanh trên khu đất hoàn toàn do các đối tác toàn quyền quyết định, SAGRI được hưởng một khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên khu đất. Do đó, thực chất của hợp đồng là AGRI cho thuê lại đất, không đúng quy định của Thủ tướng và UBND TPHCM.
Cơ quan kiểm toán nhấn mạnh việc ký 6 hợp đồng hợp tác trên các khu đất nêu trên không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TPHCM.
Như vậy tổng diện tích đất sử dụng sai lên tới 1.900 ha đất thông qua việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên các khu đất được giao quản lý không đúng quy định pháp luật.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tổng diện tích đất giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân là trên 1.883 ha với 774 hợp đồng. Cơ quan kiểm toán đã phát hiện trong đó có 417 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán có địa chỉ cư trú ngoài địa bàn có đất giao khoán, không đúng với quy định của pháp luật hiện hành; 14 hộ gia đình, cá nhân có diện tích nhận khoán vượt hạn mức đất giao khoán theo quy định của UBND TPHCM.
Báo cáo của các đơn vị cho thấy tổng diện tích đất của SAGRI bị tranh chấp, lấn chiếm cũng lên đến 235.062 m2.
Còn theo báo cáo của Công ty Bò Sữa, tổng diện tích đất cho mượn, khoán trồng cỏ lên đến 872.200m2. Trong đó, 271.300m2 đất Công ty Bò Sữa cho Ban nhân dân ấp An Hoà (huyện Củ Chi) mượn, đến nay không còn lưu giữ hồ sơ; đến thời điểm kiểm toán còn 231.300 m2 chưa thu hồi được.
Công ty Bò Sữa còn ký hợp đồng khoán trồng cỏ với 15 hộ dân với diện tích 600.900m2, nhưng hết thời gian giao khoán, các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng đất cho 103 hộ dân khác, diện tích đất chưa thu hồi được của 31 hộ dân là 142.000m2 (14ha).
Thế Kha