1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tổng Bí thư: Phải khắc phục thói quen tùy tiện, gây phiền hà cho nhân dân

(Dân trí) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khắc phục tập quán “phép vua thua lệ làng”, thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc.

 

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-6eba0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Ngành Tư pháp chiều 24/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong từng giai đoạn cụ thể ngành tư pháp tuy có trải qua những thăng trầm về tổ chức, thu hẹp hoặc mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng công tác tư pháp đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng, nhân dân, vì độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và lợi ích, hạnh phúc của nhân dân.

“Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một Nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm để mỗi người dân chủ động, tích cực sử dụng, thực hiện đúng đắn và an toàn các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống, đóng góp mọi sức người, sức của, năng lực và trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”- Tổng Bí thư nói.

Chính vì thế, theo Tổng Bí thư, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng pháp luật, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Đảng, Nhà nước đã nhận thức rõ và đã chủ trương cần phải có sự chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm là xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

“Để làm được điều này, trước hết ngành tư pháp phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật, đồng thời biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người cần nêu gương sáng về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy; khắc phục tập quán “phép vua thua lệ làng”, thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc.

Cán bộ tư pháp phải ghét điều ác, yêu lẽ phải, sự công bằng

Bên cạnh những việc đã làm được, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận so với những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, hoạt động của ngành tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém như: Chưa tham mưu được một cách đầy đủ cho Chính phủ và Quốc hội giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật còn phức tạp, nhiều tầng nấc, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chậm đi vào cuộc sống; hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; công tác thi hành án dân sự, hành chính vẫn còn tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực  hành chính tư pháp chậm được đổi mới, vẫn còn những thủ tục hành chính chưa thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp,...

 

70-nam-tu-phap-313de
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho ngành tư pháp.

 

Ông Cường cho rằng từ quá trình xây dựng và trưởng thành trong 70 năm qua, nhất là những năm gần đây, ngành tư háp có thể rút ra được nhiều bài học quý báu để vững bước đi lên. Đơn cử như việc cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp phải luôn giữ tấm lòng trong sáng, cuộc sống lành mạnh, tuân thủ những chuẩn mực đạo đức, gương mẫu chấp hành pháp luật; ghét điều ác, việc ngang trái, yêu lẽ phải, sự công bằng; luôn chia sẻ, cảm thông với những đau khổ, thiệt thòi, oan khuất của người dân, và trên hết là kiên quyết bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính.

“Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, đặc biệt trên những công việc liên quan trực tiếp đến người dân như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý vi phạm hành chính… Đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công, nâng cao chất lượng hoạt động của các luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên, giám định viên tư pháp, quản tài viên... đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Đặc biệt, phải có giải pháp đột phá thực hiện thành công trước năm 2020 việc xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra”- ông Cường nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, cho ngành Tư pháp để ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ngành vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thế Kha

 

 

 

Tổng Bí thư: Phải khắc phục thói quen tùy tiện, gây phiền hà cho nhân dân - 3