Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại 3 quận trung tâm của Hà Nội

Thái Anh

(Dân trí) - So với khóa Quốc hội trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử tại quận Ba Đình nhưng chuyển từ quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ như thông lệ sang quận Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới (khóa XV) tại đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội, bao gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là khóa thứ 5 liên tiếp người lãnh đạo đứng đầu Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.

Đơn vị bầu cử số 1 của thủ đô kỳ này có sự điều chỉnh về địa bàn. 2 khóa vừa qua, đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội được xác định là địa bàn 3 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại 3 quận trung tâm của Hà Nội - 1
5 nhiệm kỳ liên tiếp ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri thủ đô.

Cùng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 còn có ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, bà Nguyễn Thị Hà Tuyên - Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ và ông Vũ Tiến Vượng - nghiên cứu viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đơn vị bầu cử này được cơ cấu 5 ứng viên để bầu lấy 3 đại biểu Quốc hội.

Hà Nội cũng có 1 Ủy viên Bộ Chính trị khác được giới thiệu ứng cử là Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ứng cử ở đơn vị bầu cử số 4, gồm quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm. Ông Dũng nằm trong cơ cấu đại biểu của địa phương.

Đơn vị bầu cử số 4 của ông Đinh Tiến Dũng còn có ông Đặng Minh Châu (tức hòa thượng Thích Bảo Nghiêm) - tu sĩ Phật giáo, trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, bà Vũ Thị Lưu Mai (thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội), ông Lưu Hồng Quang (Phó bí thư Đoàn, cơ quan Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội), bà Nguyễn Thị Phương Thúy (Phó hiệu trưởng Trường mầm non Đại Mỗ A, quận Nam Từ Liêm).

Đơn vị số 2 của thủ đô bao gồm quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên và huyện Đông Anh, có 5 ứng cử viên là ông Nguyễn Hữu Chính (sinh năm 1963); ông Trương Xuân Cừ (sinh năm 1960); Ngô Thị Lục (sinh năm 1979); bà Bùi Huyền Mai (sinh năm 1975) và bà Lê Thị Hồng Nhung (sinh năm 1983).

Đơn vị số 3 gồm quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, có các ứng cử viên là bà Dương Minh Ánh (sinh năm 1975); ông Nguyễn Phi Thường (sinh năm 1971); ông Nguyễn Ngọc Tuấn (sinh năm 1966); bà Đặng Thị Kim Tuyến (sinh năm 1975); bà Phạm Thị Ngọc Yến (sinh năm 1972). 2 ứng viên là đại biểu Quốc hội đương nhiệm tái cử tại đơn vị bầu cử này là bà Dương Minh Ánh và ông Nguyễn Phi Thường.

Đơn vị bầu cử số 5 bao gồm quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm và huyện Hoài Đức có các ông/bà: Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Hà Nội, Vũ Thúy Hiền - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và ông Nguyễn Ngọc Yên - Phó trưởng phòng quản lý giáo dục - nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội.

Đơn vị bầu cử số 6 gồm quận Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai có 5 ứng cử viên: Phạm Đức Ấn (sinh năm 1970); Đỗ Đức Hồng Hà (sinh năm 1969); Lương Thế Huy (sinh năm 1988); Nguyễn Kim Sơn (sinh năm 1966); Lê Thị Thu Trang (sinh năm 1972).

Đơn vị bầu cử số 7 thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng có 5 ứng cử viên gồm: Trần Việt Anh (sinh năm 1975); Trần Thị Nhị Hà (sinh năm 1973); Phạm Thị Thanh Mai (sinh năm 1975); Nguyễn Trung Thành (sinh năm 1980); Ngô Thanh Thủy (sinh năm 1990).

Đơn vị bầu cử số 8 gồm các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ và Thạch Thất có 5 ứng cử viên gồm Khuất Việt Dũng (sinh năm 1959); Hoàng Thị Mai Hương (sinh năm 1971); Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1974); Lê Nhật Thành (sinh năm 1975); Hoàng Văn Tỉnh (sinh năm 1976).

Đơn vị bầu cử số 9 gồm các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và Thường Tín có 5 ứng cử viên gồm: Đỗ Anh Hùng (sinh năm 1971); Bùi Văn Thanh (sinh năm 1985); Tạ Đình Thi (sinh năm 1973); Nguyễn Tuấn Thịnh (sinh năm 1971); Nguyễn Phương Thủy (sinh năm 1974).

Các đơn vị bầu cử này có chung cơ cấu là 5 ứng cử viên để bầu lấy 3 đại biểu Quốc hội.

Riêng đơn bầu cử số 10, gồm huyện Sóc Sơn, Mê Linh có cơ cấu 4 ứng cử viên để bầu lấy 2 đại biểu Quốc hội. Các ứng cử viên tại địa bàn này gồm: ông Phan Huy Cương (sinh năm 1975) - Thẩm phán TAND TP Hà Nội; ông Hoàng Văn Cường (sinh năm 1963) - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân; ông Nguyễn Anh Trí (sinh năm 1957) - nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; ông Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967) - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

3 trong số 4 ứng viên tại đơn vị bầu cử này là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, là các ông Hoàng Văn Cường, Nguyễn Anh Trí và Nguyễn Quang Tuấn. Đơn vị bầu cử số 10 cũng là nơi có 2 trong số 3 người tự ứng cử của Hà Nội là ông Hoàng Văn Cường và Nguyễn Anh Trí.

Người tự ứng cử thứ 3 là ông Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường.

Trong số 49 ứng viên đại biểu Quốc hội của Hà Nội sẽ có tối đa 29 người được chọn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, tỷ lệ số dư xấp xỉ 1,7, tương đương mức trung bình của cả nước.