1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Ngày 3/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Cuộc tiếp xúc nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sắp tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Quy (quận Ba Đình) bày tỏ vui mừng khi trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, kinh tế- xã hội đất nước vẫn phát triển ổn định.

 

Cử tri Phan Đức Thuyên (phường Kim Mã) và cử tri Nguyễn Cao Đức (phường Điện Biên, quận Ba Đình) nêu, việc một số quy định và văn bản pháp luật không có tính khả thi và băn khoăn về trình độ của đội ngũ cán bộ chưa sát với thực tiễn.

 

Cử tri đề nghị các cơ quan Trung ương khi ban hành các chính sách phải bám sát thực tiễn, chứ không phải là các quy định “từ trên trời rơi xuống”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

 

Những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua như: Bệnh sởi; chất lượng khám chữa bệnh; đội giá dự toán xây dựng tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội; đề xuất đổi mới sách giáo khoa của ngành giáo dục – đào tạo; rút quyền đăng cai ASIAD 19; vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý đô thị cũng được nhiều cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc.

 

Cử tri Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã) mong muốn, các cơ quan Nhà nước phải sử dụng hiệu quả tiền thuế đóng góp của nhân dân.

 

Cử tri hoan nghênh Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, mang lại niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên cử tri đề nghị Nhà nước có những cơ chế chặt chẽ hơn nữa để phòng ngừa tham nhũng, xử lý tài sản bất minh của cán bộ Nhà nước, kiên quyết phòng, chống lãng phí.

 

Nói chuyện với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội hoan nghênh và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và rất đúng của các cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, từng đại biểu Quốc hội trên cương vị công tác của mình có trách nhiệm góp phần giải quyết những kiến nghị này.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

 

Trước những ý kiến của cử tri đóng góp cho Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ, ngày càng thể hiện Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân.

 

Thông qua các buổi tường thuật trực tiếp các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhân dân đã giám sát công việc của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước, nhân dân tham gia bàn việc nước.

 

Vừa qua, Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Thời gian tới, Quốc hội tập trung vào công tác xây dựng pháp luật để thể chế hóa các nội dung mới của Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành cho phù hợp.

 

Trả lời ý kiến về việc phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của cử tri cần phải làm quyết liệt hơn nữa.

 

Đây là vấn đề rất lớn, rất nhức nhối, một trong những vấn đề bức xúc nhất mà dư luận nhân dân quan tâm. Nhưng đây là công việc không thể nóng vội mà cần có thời gian, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

 

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Có ý kiến cho rằng, phòng là chính chứ cứ quan tâm tới xét xử. Đúng phòng là gốc, không xảy ra là tốt nhất. Nhưng khi xảy ra rồi thì xử nghiêm là biện pháp đề phòng tốt nhất. Xử nghiêm có tính răn đe, ngăn ngừa”.

 

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ cùng với phòng, chống tham nhũng phải phòng, chống lãng phí bởi hiện nay tình trạng lãng phí diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều nơi. Có thể là lãng phí thời gian, tiền bạc, lãng phí tài nguyên khoáng sản, nhân lực, chất xám.

 

Tổng Bí thư đồng tình với cử tri: Chống lãng phí là rất đúng. Sắp tới cần tiếp tục hoàn thiện các quy định để chống lãng phí.

 

Trước những băn khoăn của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm với các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể Mặt trận là đúng đắn, cần thiết. Nhưng do đây là lần đầu tiên chúng ta làm nên chưa có kinh nghiệm. Do đó, trong kỳ họp thứ 7 sắp tới Quốc hội sẽ bàn để sửa đổi cho phù hợp. Tổng Bí thư cũng cho rằng cần phải phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm chưa phải là bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò tín nhiệm. Đây là một kênh để đánh giá cán bộ. Bởi vì đôi khi họp trong chi bộ, họp nội bộ nể nang nhau không nói hết. Nhưng nhân dân biết hết. Lấy ý kiến của dân mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân. Lấy phiếu tín nhiệm là một bước chuẩn bị tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu lấy phiếu tín nhiệm quá thấp thì mặc nhiên lần sau sẽ bỏ phiếu tín nhiệm, tức là cách chức, miễn chức.

 

Tổng Bí thư khẳng định: Việc lấy phiếu tín nhiệm là đúng, cần thiết và sắp tới vẫn tiếp tục làm. Làm chặt chẽ, hiệu quả, đạt mục đích yêu cầu mà không gây rối.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cử tri chia sẻ và cùng góp sức giải quyết những vấn đề của đất nước, của thủ đô Hà Nội.

 

Theo Vũ Duy

Vov.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm