Tổng Bí thư: Nghệ sĩ phải vừa có trình độ, vừa có bản lĩnh và tỉnh táo
(Dân trí) - Trong thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn trong sáng tạo nghệ thuật.
Nhiều gợi mở, định hướng lớn dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), sáng 25/7.
Người nghệ sĩ phải dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống
Theo Tổng Bí thư, văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, còn những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục, như còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái tôi để kêu gọi tự do sáng tác; chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút và có sức lan tỏa…
Để tạo điều kiện cho Văn học, nghệ thuật phát triển, Tổng Bí thư nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Theo người đứng đầu Đảng, xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới nhanh chóng đã xuất hiện nhiều vấn đề mới. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật.
"Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống; phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", Tổng Bí thư nói.
Theo ông, chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật mới có được những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho xã hội.
Tổng Bí thư chia sẻ cuộc sống có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào, đồng thời lưu ý văn nghệ sĩ "đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình".
Nhắc đến bài học cần đúc rút, Tổng Bí thư cho rằng văn nghệ sĩ cần có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, lăn lộn với thực tiễn cuộc sống chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.
"Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cần cơ chế thu hút, trọng dụng nghệ sĩ tài năng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Ngoài ra, Tổng Bí thư lưu ý thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tham mưu, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể để phát hiện, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - văn nghệ sĩ có tài năng.
Việc này, theo người đứng đầu Đảng, nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, bảo đảm số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Cùng với đó, Tổng Bí thư nhắc cần có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.