Tổng Bí thư: "Không lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để chia rẽ nội bộ"

Hoài Thu

(Dân trí) - Việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII phải khách quan, công khai, minh bạch, kiên quyết không để xảy ra vi phạm, theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây là yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 15/5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là hội nghị xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Bối cảnh hiện nay được người đứng đầu Đảng lưu ý là tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây.

Giúp cán bộ "tự soi, tự sửa"

Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.

Tổng Bí thư: Không lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để chia rẽ nội bộ - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Ảnh: Nhật Bắc).

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, theo Tổng Bí thư, để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Tổng Bí thư cho rằng việc này sẽ giúp những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác.

Trên cơ sở tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII, ngày 2/2, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 96, và ngày 6/4 đã ban hành Kế hoạch số 16 "Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII".

Tổng Bí thư đánh giá các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và gửi trình Trung ương Báo cáo kiểm điểm cá nhân, trong đó tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật.

Bên cạnh báo cáo kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế và giải pháp khắc phục; báo cáo giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu yêu cầu.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của vấn đề, Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương nghiên cứu kỹ Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Từ thực tế quan hệ công tác, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng Bí thư: Không lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để chia rẽ nội bộ - 2

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII (Ảnh: Nhật Bắc).

Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý bảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm, tinh thần xây dựng của Ủy viên Trung ương Đảng trong việc xem xét, thể hiện sự tín nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, Trung ương tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. "Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", Tổng Bí thư yêu cầu.

Dự báo những xu hướng, vấn đề lớn có thể xy ra

Nói về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ, Tổng Bí thư đánh giá báo cáo này đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường. Bên cạnh đó, có nhiều khó khăn, phức tạp hơn dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước.

Tổng Bí thư: Không lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để chia rẽ nội bộ - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tới dự Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, sáng 15/5 (Ảnh: Nhật Bắc).

Báo cáo đồng thời chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển kinh tế - xã hội…

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương thể hiện rõ chính kiến về những nhận xét, đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đồng thời, các đại biểu cần có những đề xuất, kiến nghị cụ thể, trong đó gắn việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới.

Bên cạnh những vấn đề về ưu điểm, hạn chế, người đứng đầu Đảng cho rằng cần phân tích, dự báo bối cảnh, tình hình mới với những xu hướng, vấn đề lớn có thể xảy ra trên thế giới và ở trong nước.

Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu đề xuất những chủ trương, quyết sách lớn và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần phải tập trung trong nửa cuối của nhiệm kỳ.

Nhắc lại quan điểm từng nhiều lần đề cập "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Tổng Bí thư cũng lưu ý kết quả đó mới chỉ là bước mở đầu, Nghị quyết của Đại hội XIII có thành hiện thực hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội.