Tổng Bí thư: Đà Nẵng phải "đáng sống" với cả nhà đầu tư và giới tinh hoa
(Dân trí) - Tổng Bí thư nhấn mạnh, mọi chủ trương, chính sách của Đà Nẵng phải hướng đến "thành phố đáng sống", không chỉ với người dân mà còn "đáng sống" với cả nhà đầu tư, người tài và giới tinh hoa.

Ngày 29/3, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố (29/3/1975 - 29/3/2025).
"Cái được lớn nhất của Đảng bộ Đà Nẵng là được lòng dân"
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại, chiến thắng oanh liệt giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975 là một đòn tiến công quyết định, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến công đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm (Ảnh: Niệm Anh).
Tổng Bí thư cho rằng, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Đà Nẵng đã dốc toàn lực, toàn tâm, toàn ý vào kiến thiết, xây dựng và phát triển. Xuất phát điểm với nhiều khó khăn, kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém, quy hoạch chưa đồng bộ, trải qua 28 năm, Đà Nẵng đã có một diện mạo mới, trở thành nơi đáng sống, văn minh, năng động, sáng tạo, thân thiện.
Thành tựu nổi bật của thành phố là kinh tế tăng trưởng liên tục; hạ tầng đô thị phát triển; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành nên thương hiệu cạnh tranh mang tầm khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng cũng đã tạo "kỳ tích sông Hàn" trong phát triển kinh tế xã hội với mô hình 5 cao: Tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao và mức sống cao.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, thành phố đã quan tâm đến phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội với nhiều chính sách an sinh mang đậm tính nhân văn và trở thành thương hiệu của Đà Nẵng.
Công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được xác định là nhiệm vụ then chốt; chủ động sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đề xuất và thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù riêng.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Mai Anh).
Tổng Bí thư cho rằng, những thành quả đó đã thể hiện sự năng động, tư duy nhạy bén, tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; là bài học lớn về phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận, thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân.
"Có thể nói, cái được lớn nhất của Đảng bộ Đà Nẵng là được lòng dân và đó chính là niềm tự hào đáng trân trọng của nhân dân Đà Nẵng anh hùng, là điều kiện, tiền đề để tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện trong những năm tiếp theo", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đà Nẵng đang đứng trước những vận hội mới
Theo Tổng Bí thư, thành phố Đà Nẵng đang đứng trước những vận hội mới. Trung ương cũng có nhiều sự quan tâm, kỳ vọng với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội.
Tổng Bí thư gợi ý, Đà Nẵng phải trở thành trung tâm giao thương quốc tế, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách, là nơi hội tụ những nhân tài, những ý tưởng sáng tạo; nơi những tài nguyên du lịch, sinh thái và văn hóa hòa quyện với nhau tạo nên sự hấp dẫn và bản sắc riêng.
Để làm được những điều trên, thành phố phải tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thân thiện. Đặc biệt phải xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Theo Tổng Bí thư, đối với Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính là vấn đề lớn, phức tạp nhưng sẽ tạo dư địa mới, động lực lớn hơn để phát triển bứt phá trong tương lai.
Tổng Bí thư đề nghị Đà Nẵng phải chuẩn bị các điều kiện đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngay khi có chủ trương chính thức của Trung ương; không để bị động và gián đoạn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh Đà Nẵng cần đẩy mạnh các mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực và nguồn lực để phát triển. Tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số...
Phải xác định kinh tế tư nhân là chiến lược, là chính sách lâu dài và quan trọng nhất hiện nay, theo lời Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng "nhắn nhủ" Đà Nẵng cần ưu tiên nguồn lực để xây dựng trung tâm tài chính khu vực, khu thương mại tự do Đà Nẵng; xây dựng thành phố thành một cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm (Ảnh: Văn Hóa).
Theo Tổng Bí thư, song hành với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền thành phố phải đặc biệt chú trọng đến phát triển văn hóa, con người. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, gắn liền với các chương trình đậm tính nhân văn riêng của thành phố.
"Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hạnh phúc của nhân dân, hướng đến thành phố đáng sống không chỉ đối với người dân mà còn đáng sống đối với nhà đầu tư, người tài và giới tinh hoa", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Từ xuất phát điểm thấp đến thành phố tăng trưởng ấn tượng
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, sau ngày thống nhất đất nước, Đà Nẵng đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện đường lối đổi mới một cách sáng tạo.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại lễ kỷ niệm (Ảnh: Niệm Anh).
Ngày 1/1/1997, Đà Nẵng được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành một đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương; sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng để thành phố bước vào một giai đoạn phát triển mới nhưng cũng có nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp, quy hoạch rời rạc, cơ sở hạ tầng thấp kém.
Trong điều kiện đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên xây dựng thành phố... và đạt được những thành tựu to lớn.
Theo ông Quảng, kinh tế thành phố tăng trưởng khá qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt hơn 9%/năm. So với năm 1997, quy mô nền kinh tế tăng khoảng hơn 45 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 25,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần.
Từ một đô thị nhỏ bé, đến nay Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, thành phố chú trọng phát triển đồng bộ, hài hòa trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, vượt trội được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
"Mặc dù còn những hạn chế, khuyết điểm nhưng những thành tựu mà thành phố đạt được trong suốt thời gian qua là rất to lớn, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng, là tài sản vô giá để gìn giữ và tiếp tục phát huy", ông Quảng nhấn mạnh.