Tổng Bí thư: "Có tiêu cực mới đẻ ra tham nhũng, phải xử lý tận gốc!"
(Dân trí) - Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu không suy thoái về đạo đức, lối sống thì sẽ không có tham nhũng. Tham nhũng là hệ quả của những con người hư hỏng về phẩm chất đạo đức.
Sáng 15/9, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính theo hình thức trực tuyến để triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành.
Các cơ quan nội chính là "thanh bảo kiếm" sắc bén
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của các cơ quan nội chính trong hệ thống chính trị; đây là những cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồng thời, các cơ quan nội chính đã phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, các cơ quan nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước.
"Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ càng phải có kỷ cương phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng, răn đe trừng trị cái xấu, cái sai có hại cho dân cho nước. Tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế pháp luật, phải có phép nước, khuôn phép mà muốn như thế thì phải có các cơ quan nội chính" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các cơ quan nội chính trong nhiệm kỳ XII của Đảng, nhất là thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, nhất là từ Đại hội XII cho đến nay được chỉ đạo rất ráo riết, quyết liệt đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tổng Bí thư khẳng định, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
"Trong thành tích chung đó có vai trò rất quan trọng, quyết định của các cơ quan nội chính. Đây là lực lượng chủ công, tiên phong của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" - Tổng Bí thư bày tỏ.
Chia sẻ về việc Bộ Chính trị quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng và tiêu cực, Tổng Bí thư phân tích, nếu không suy thoái về đạo đức, lối sống thì sẽ không có tham nhũng.
Vì vậy, tham nhũng cũng chỉ là hệ quả của những con người hư hỏng về phẩm chất đạo đức. Cho nên, phải chống tham nhũng và chống tiêu cực. Đối với tiêu cực thì tập trung vào chống sự suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.
"Đó là cái quan trọng, là gốc. Có cái này (tiêu cực - PV) mới đẻ ra tham những, còn lãng phí chỉ là một khía cạnh. Và phải xử tận gốc. Lúc đầu ăn cắp vặt, dần dần ăn cắp lớn rồi cấu kết với nhau làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân. Tiền có thể thu lại được còn mất niềm tin là mất tất cả" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Xử nghiêm không vùng cấm, bất kể người đó là ai!
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng yêu cầu các cơ quan nội chính phải luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải "đúng vai thuộc bài", thực sự am hiểu pháp luật, nắm vững, nắm chắc các nguyên tắc, quy chế, quy định.
Tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp các ngành bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm các cơ quan nội chính, kiên quyết kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với những vi phạm, bất kể người đó là ai; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Tôn trọng, gắn bó mật thiết với nhân dân, học hỏi nhân dân, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc của dân.
Tổng Bí thư tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan nội chính sẽ thực hiện triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết thúc hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguồn cổ vũ, nguồn động viên to lớn, là "kim chỉ nam" cho hành động của các cơ quan nội chính trong thời gian tới.
Hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng bị xử lý kỷ luật
Theo Ban Nội chính Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội II, các cơ quan nội chính đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong đó đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên vi phạm. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm…
Cũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý… Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, đạt tỷ lệ trung bình hàng năm hơn 32% so với số tiền có điều kiện thi hành, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.