Tổng Bí thư chủ trì hội nghị triển khai phát triển vùng Tây Nguyên
(Dân trí) - Hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Sáng 14/10 tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị.
Tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo bộ cùng đại diện các cục, vụ cũng đã tham dự trực tuyến Hội nghị.
Đây là hội nghị thứ 3 về phát triển vùng. Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Bộ Chính trị tổ chức về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương; đất rộng, tiềm năng lớn, với diện tích 54.508 km2 (16,5% diện tích cả nước), dân số trên 5,9 triệu người (chiếm 5,1% dân số cả nước).
Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 53/53 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 52 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê đê, Mnông, Giarai, Bana...
Thống kê cho thấy, GRDP bình quân vùng giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng dịch vụ. Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%).
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), nhiều mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước. Dịch vụ, du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002-2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng…