1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

"Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội"

(Dân trí) - Sắp đến ngày Hà Nội trở về với nhân dân Thủ đô. Mấy hôm nay chiếc xe Citroen đen gắn loa phóng thanh chạy khắp phố phường loan tin vui và mời bà con sáng 10/10/1954 ra bờ Hồ Hoàn Kiếm đón chào quân giải phóng từ chiền khu trở về tiếp quản Thủ đô…

Hà Nội lúc này đã vào thu, trời se lạnh nhưng vẫn có ánh nắng mặt trời. Sáng hôm ấy tối lấy cái máy ảnh Rétina 2A, một loại máy ảnh tốt của Đức chụp phim cỡ 24x36, bỏ túi rồi đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm. Tôi ghé hiệu Universal photo ở đầu đường Gia Long (Bà Triệu ngày nay) mua 2 cuộn phim đen trắng hiệu Kodak, 36 kiểu. Lắp phim vào máy xong tôi đến đường Hàng Gai.

 

Ở đó tôi thấy một tốp lính Pháp súng ống trong tay đang đứng giữa lòng đường tàu điện chạy từ  Bờ Hồ lên Cửa Nam. Tôi đứng tránh sang bên phải con đường vắng teo, đến cách họ khoảng 20m và bắt đầu bấm máy. Bọn lính không để ý sự có mặt của tôi vì lúc này tôi chỉ có một mình. Dân phố Hàng Gai đều ở trong nhà hoặc mở cửa hé nhìn ra ngoài. Vài người tò mò ra đứng trên lề đường.
 
Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội


Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội


Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội

 

Một lát sau tốp lính đeo súng lên vai rời địa điểm đi thẳng về phía Hàng Bông, sau đó một đoàn xe Jeep và môtô nhà binh chạy tiếp theo. Xem chừng không còn bọn họ trên đường, các nhà bắt đầu mở của treo cờ đỏ sao vàng, chạy ùa ra đường, nghe ngóng, chờ đợi,…

 

Nghe tiếng xe chạy rầm rầm hướng bờ Sông Hồng đường Trần Quang Khải, tôi vội đi tắt từ Hàng Gai ra phía Cầu Gỗ, thẳng ra Cột Đồng Hồ và chứng kiến cảnh đoàn “công voa” (convoi) xe bọc thép của quân viễn chinh Pháp đang nối đuôi nhau chạy khá nhanh từ Đồn Thủy (bệnh viện Lanessan, nay là Việt Xô) ra cầu Long Biên... (cầu Paul Doumer) đi về Hải Phòng.

 

Thế là kết thúc một thời thống trị của thực dân Pháp và tôi đã ghi lại được màn đầu của bức tranh những lính ngoại xâm cuối cùng còn lại trên đất Hà Nội sáng hôm ấy... Đồng hồ điểm 11 giờ trưa.

 

Tôi trở lại Hồ Hoàn Kiếm. Cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn: Nhân dân đứng chật ních hai bên đường từ Hàng Bài đến Đinh Tiên Hoàng, có người đang treo “băng rôn” chào mừng, nhiều trẻ con leo lên cây, cột điện để nhìn xem cho rõ. Trên đường Trần Nhật Duật có ngôi trường tiểu học mang tên “Jean Dupuis”, một thầy giáo đang kẻ khẩu hiệu hoan nghênh quân ta trở về trên bức tường dưới sự chứng kiến của mấy đứa trẻ và học sinh ở gần đó…
 
Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội


Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội


Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội

 

Tại một số đường người ta đang dựng cổng chào đủ kiểu. Tôi đi ngang một trạm biến thế điện, phía ngoài bọc dây kém gai, bên trong có một nhà báo nước ngoài đang cầm micro tường thuật  trực tiếp. Hai chiếc xe Citroen và Ford chở cán bộ tiếp quản chạy qua chạy lại trên các đường phố. Đây đó có một vài đoàn nhân dân tay cầm hoa và ảnh Hồ chủ tịch đứng chờ.

 

Thình lình xuất hiện một xe command car không mui cắm cờ đỏ sao vàng, ở trên đó có mấy anh bộ đội, đầu đội mũ nang bọc vải, áo quần màu rêu vẫy tay chào… báo hiệu đoàn đại quân ta đã về và sắp đến! Tiếng reo hò càng  vang lên không ngớt, từ ngã tư Tràng Tiền lên quảng trường có vòi phun nước phía trước nhà Thủy Tạ. Hai anh lính trẻ đi đầu tươi cười tay ôm bó hoa đã nằm trong ống kính ngắm máy ảnh của tôi. Đợi họ đưa nắm tay lên chào tôi mới bấm máy.

 

Các anh bộ đội mang ba lô và chiếu xếp gọn trên vai, bát ăn tráng men, bị đông nước treo lủng lẳng ở lưng, bước đi vội vàng, tươi cười với đồng bào đứng hai bên đường. Có đoàn đang đi phải dừng lại để nhận hoa… Họ là những người chiến thắng từ các mặt trận Điện Biên, tam giác Sông Hồng… trở về.
 
Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội

 

Xen kẽ các đoàn đi bộ có một số xe quân sự chở các nhà quay phim nước ngoài, các sĩ quan trong quân đội, đặc biệt có ông Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch Ủy ban Kháng Chiến Hà nội sau 9 năm trời xa cách nay trở về tiếp quản Thủ đô. Những tiếng hoan hô phấn khởi xen lẫn nghẹn ngào.

 

Cứ thấy các anh đến gần, cứ thấy xe đi qua là tôi bấm máy, đến khi hết cuộn phim thứ nhất lúc nào không biết. Tâm trí của tôi bị lôi cuốn bời hình ảnh của đoàn chị em thanh niên xung phong, mặc váy, đi giày vải. Họ tuy mảnh khảnh nhưng hồng hào, bẽn lẽn cười khi nhìn thấy “người Hà Nội”. Đoàn dân công hỏa tuyến trong đồng phục nâu sồng tay dắt xe đạp thồ làm mọi người chú ý. Tiếng ầm ầm của động cơ đoàn quân xa càng to dần.

 

Chiếc xe jeep chiến lợi phẩm Điện Biên đi đầu, theo sau là đoàn xe Môlôtôva chở lính ngồi xếp hàng, các loại súng cối, súng phòng không, xe kéo pháo hạng nặng… lần lượt diễu qua rầm rộ oai hùng, kết thúc cuộc diễu hành. Cuộn phim thứ hai trong máy ảnh của tôi cũng vừa hết.
 
Tôi sở hữu 72 khoảnh khắc quý giá ngày 10/10/1954 tại Hà Nội

 

Tuy biết có cuộc “mít tinh” ra mắt công chúng chiều nay ở sân vận động Cột cờ, nhưng do quá mệt tôi đành ra về. Tôi ghé qua hiệu ảnh của ông Thúy rửa 2 cuộn phim vừa chụp xong. Cả 2 cuộn phim đều tốt. Những ảnh in ra khá đẹp.

 

Tôi chụp đủ 3 màn của bức tranh toàn cảnh sáng ngày 10/10/1954, ngày Thủ đô Hà Nội được tiếp quản. Màn đầu khi đang còn những tên lính cuối cùng của quân ngoại xâm. Màn hai là lúc nhân dân chờ đợi quân trở về và màn cuối cùng đoàn đại quân tiến về diễu hành trên đường phố.

 

Trong số 72 ảnh chụp sáng  hôm đó tôi thích nhất ảnh hai cán bộ đi đầu tay phải ôm hoa, tay trái giơ cao vẫn đang vẫy chào và ảnh ông giáo đang viết khẩu hiệu chào mừng lên tường của một trường tiểu học Jean Dupuis. Ngày nay xem lại quyển album ảnh, nhìn 2 cuộn phim Kodak được tôi giữ gìn nâng niu trong hơn nữa thế kỷ, tôi cảm thấy như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

 

Tôi yêu những con người vô tình máy ảnh tôi đã ghi lại trong phim, yêu các anh bộ đội đi trên đường phố, yêu người Hà Nội đứng chờ hai bên đường. Những hình ảnh ấy đang còn rõ nét trước mắt làm sao mà tôi quên được? Tôi luôn cảm thấy sung sướng và tự hào về bộ ảnh mình đã chụp trong ngày của lịch sử Thủ đô. Riêng tôi đó cũng là ngày quyết định ở lại với Hà Nội, tự nguyện hy sinh tình cảm gia đình ở Huế, nơi Mẹ tôi ngày ngày mong đợi.

 

Giờ đây sống xa Hà Nội, nhưng hàng năm cứ gần đến ngày 10/10 tôi lại giở bộ ảnh ra xem, giới thiệu cho con cháu và bạn bè những khoảnh khắc có một không hai tôi đã ghi được trong 72 tấm ảnh và cả trong tâm trí, ký ức cũng gần như trong tâm hồn của thời thanh niên tuổi 30 mà nay đã đi vào dĩ vãng. Đó còn là tấm lòng của một người con của Cố đô Huế gửi lại cho đồng bào Thủ đô yêu dấu.

 

NGƯT Thân Trong Ninh